Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao, cơ thể không có khả năng điều chỉnh đường huyết hiệu quả. Bệnh lý này có thể xảy ra khi tuyến tụy ngừng hoặc không sản xuất đủ insulin (hormone từ các tế bào của tuyến tụy), các tế bào của cơ thể kháng lại loại hormone này.
Bệnh tiểu đường type 1 khá hiếm gặp, chủ yếu do di truyền. Hầu hết bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 đều do chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh. Theo các bác sĩ, ăn nhiều đường không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tiêu thụ đường nhiều hơn mức cơ thể cần sử dụng để tạo năng lượng, lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành axit béo và được lưu trữ dưới dạng chất béo trong cơ thể.
Nghiên cứu về đường và bệnh tiểu đường type 2 do Đại học Tổng hợp Glassgow (Anh), Đại học Otago (New Zealand) thực hiện năm 2016 ghi nhận mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và lối sống (tiêu thụ nhiều đồ uống có đường). Ăn nhiều đường khiến lượng đường trong máu cao, tăng cân, chỉ số BMI cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu khác về tiêu thụ đường của Đại học California (Mỹ) cho thấy, đường fructose có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh tiểu đường. Cụ thể, gan có thể hấp thụ lượng lớn đường fructose không kiểm soát. Điều này khiến chất béo tích tụ trong gan, giảm độ nhạy của insulin. Độ nhạy insulin thấp khiến cơ thể khó loại bỏ glucose ra khỏi máu. Nếu đường huyết tăng cao liên tục, bệnh tiểu đường type 2 sẽ xuất hiện.
Do đường fructose chuyển hóa thành chất béo nên ăn nhiều đường khiến mức chất béo trung tính trong cơ thể tăng, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim và gan nhiễm mỡ. Lượng đường fructose cao cũng liên quan đến nồng độ axit uric trong máu. Nếu các tinh thể axit uric lắng đọng trong khớp, bệnh gout có thể phát triển. Béo phì, tăng mỡ là những yếu tố nguy cơ riêng biệt, gián tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện cho thấy, động vật ăn nhiều đường có thể làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu của leptin (một loại hormone thúc đẩy cảm giác no) dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân.
Để giảm tác động tiêu cực của việc tiêu thụ nhiều đường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người không nên nạp quá 10% lượng calo hàng ngày từ đường bổ sung không có tự nhiên trong thực phẩm.
Bên cạnh việc tiêu thụ nhiều đường, các yếu tố rủi ro khác có thể dẫn đến bệnh tiểu đường như sau.
Thừa cân: Theo nghiên cứu của Bệnh viện Universitario Fundación Jiménez (Tây Ban Nha), béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tiểu đường type 2. Nếu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, nguy cơ mắc bệnh sẽ được đẩy lùi.
Ít vận động: Những người lười vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 gần gấp đôi so với người thường xuyên tập thể dục. 150 phút tập thể dục mỗi tuần có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Hút thuốc: Hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ, khó thở vào ban đêm là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.
Di truyền: Nếu bố hoặc mẹ mắc tiểu đường type 2, con sinh ra có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường khoảng 40% và gần 70% nếu cả cha, mẹ đều có bệnh tiểu đường.
Nhằm phòng bệnh tiểu đường, mỗi người cần duy trì mức cân nặng phù hợp, thường xuyên tập thể dục, ăn uống theo một số mẹo sau.
Ăn nhiều rau, củ, quả: Chế độ ăn nhiều hạt, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Uống cà phê: Uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Nghiên cứu của Đại học Sydney (Australia) cho thấy, uống cà phê hàng ngày có thể giảm 7% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn rau lá xanh: Ăn nhiều rau lá xanh có thể giảm 14% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường theo nghiên cứu của Đại học Leicester (Vương quốc Anh).
Uống rượu điều độ: Uống rượu vừa phải (khoảng 3 ly mỗi ngày), có liên quan tới việc giảm khoảng 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, so với việc kiêng hoàn toàn hoặc uống nhiều rượu. Đây là kết quả nghiên cứu của Đại học VU Amsterdam (Hà Lan).
Minh Thúy
(Theo Healthline, Medical News Today)