Trả lời:
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nữ giới nên dùng dưới 6 muỗng cà phê (25 g) và nam giới dưới 9 muỗng cà phê (36 g) đường mỗi ngày.
Các loại đường tự nhiên có sẵn trong trái cây, rau, ngũ cốc... Còn đường bổ sung được thêm vào thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt... để tạo hương vị, cung cấp calo rỗng, không có chất xơ, vitamin, khoáng chất và các thành phần dinh dưỡng khác. Ăn nhiều thực phẩm này dẫn tới tăng cân nhưng thiếu hụt dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình lão hóa tế bào, gây sâu răng, tác động tiêu cực đến làn da. Bạn ăn nhiều đồ ngọt cũng có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, mất cân bằng nội tiết tố, tâm trạng lo âu, cáu kỉnh...
Đường bổ sung được hấp thu nhanh làm cho chỉ số đường máu sau ăn tăng vọt. Hậu quả là gây tổn thương cho tim và động mạch, tăng mức insulin, tăng nhịp tim, huyết áp, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Huyết áp cao làm tim và động mạch phải làm việc nhiều hơn.
Đường chế biến có thể làm tăng chất béo trung tính (triglycerid) - một loại chất béo lưu thông tự nhiên trong máu, khác với cholesterol. Chất béo trung tính cao có thể dẫn đến rối loạn lipid như gây ra cholesterol xấu cao, tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tim mạch vành.
Đường cũng có khả năng làm hỏng niêm mạc mạch máu bằng cách giảm tính đàn hồi, thu hẹp diện tích và hạn chế lưu lượng máu. Nếu những động mạch này đã có mảng bám tích tụ có thể dẫn đến hạn chế lưu lượng máu đến tim và não, từ đó dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bạn nên kiểm soát lượng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày, cắt giảm các thực phẩm và đồ uống chứa nhiều lượng đường bổ sung như đồ ngọt, bánh kẹo, nước ngọt... Ưu tiên thực phẩm lành mạnh hơn như các loại hạt không ướp muối, hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước. Đồng thời bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, duy trì lối sống lành mạnh.
ThS.BS Trần Quốc Việt
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |