Chất béo trong thực phẩm được chia thành 4 loại chính gồm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa (gọi chung là PUFA) là những chất béo lành mạnh. Ăn nhiều chất béo này đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim, mắt và não. Mặt khác, tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có trong bơ sữa, bánh ngọt, thịt xông khói... tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
Theo nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh PUFA (giàu axit béo omega-3 và omega-6) như cá béo, dầu ô liu, các loạt hạt (hạt óc chó, hạt điều, hạnh nhân...) giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.
Đại học Hồng Kông và Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) cũng thực hiện một nghiên cứu và kiểm soát, đánh giá chế độ ăn uống của gần 1.600 phụ nữ bị ung thư vú và không mắc ung thư vú ở nước này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, người hấp thụ lượng axit béo omega-3 từ các nguồn hải sản (cá, tôm...) cao hơn và có tổng lượng hấp thụ chất béo không bão hòa PUFA nhiều có nguy cơ ung thư vú thấp hơn.
Chế độ ăn uống nhiều axit alpha-linolenic (một axit béo n-3 cơ thể không thể tự tổng hợp, có nhiều trong dầu đậu nành, hạt cải, hạt lanh) có nguy cơ ung thư vú thấp hơn 49% và giảm 32% rủi ro ung thư vú nếu chế độ ăn giàu axit béo EPA và DHA (có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ...). Kết quả này mạnh nhất đối với phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ có khối u dương tính với thụ thể estrogen, dương tính với thụ thể progesterone.
Thạc sĩ Sarah Gold Anzlovar (công tác tại Đại học Tufts, Mỹ) nghiên cứu chế độ ăn uống và phát hiện ra rằng, một số phụ nữ thừa cân và béo phì do hấp thụ lượng nhiều PUFA, axit béo omega-3 có nguy cơ ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ gầy (nhẹ cân). Tổng lượng omega-3 tiêu thụ (từ cá và các nguồn thực vật) có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư này ở phụ nữ.
Nghiên cứu của Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ cũng chỉ ra, chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu axit béo không bão hòa đa có thể góp phần giảm 1/3 nguy cơ ung thư vú. Bạn nên ăn từ 2-3 lần mỗi tuần các loại cá béo, bổ sung dầu cá, các loại hạt, thay thịt nhiều mỡ bằng đậu phụ để giảm khả năng mắc ung thư này. Ngoài ra, phụ nữ ăn nhiều trái cây, rau củ, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt, tránh các sản phẩm từ sữa và động vật giàu chất béo cũng giúp giảm nguy cơ mắc loại ung thư này.
Đối với người đã mắc ung thư vú, tiêu thụ chất béo không bão hòa PUFA cũng đem lại nhiều lợi ích. Đại học Marshall (Mỹ) đã thực hiện một thử nghiệm trên 10 phụ nữ tuổi từ 45-67. Kết quả cho thấy, phụ nữ bị ung thư vú ăn khoảng 57 g hạt quả óc chó mỗi ngày trong 2 tuần có thể làm giảm sự phát triển và tăng trưởng của ung thư.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)