Thời tiết chuyển lạnh là lúc lẩu trở thành món ăn khoái khẩu được nhiều người lựa chọn. Hương vị thơm ngon và đồ ăn đa dạng giúp cho lẩu kích thích vị giác người dùng. Nhiệt độ món ăn luôn ấm nóng còn giúp cơ thể dễ tiêu hóa, hấp thụ các chất dinh dưỡng, tạo ra năng lượng.
Tuy nhiên, ăn lẩu không đúng cách có thể gây hại sức khỏe. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, đây là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về đường tiêu hóa như gây đầy bụng, khó tiêu, nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa... Dưới đây là những nguy cơ mà mọi người nên lưu ý.
Nhiễm khuẩn và ký sinh trùng
Nhiều người có thói quen nhúng tái thực phẩm khi ăn lẩu. Trong khi các loại thực phẩm tươi sống có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm như E.coli, salmonella, listeria, vibrio cholerae và các loại ký sinh trùng như giun sán. Trong đó, loại ký sinh trùng thường gặp là sán lá gan lớn, sống ở các loài rau thủy canh như rau cần, rau muống nước, rau ngổ, rau răm... Sán lá gan lớn có thể dẫn đến áp xe gan.
Khi nhúng tái, thực phẩm không được nấu chín kỹ, các mầm bệnh không bị diệt trừ, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhất là những thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh.
Bạn cần nhúng chín các loại thịt, rau cần trước khi thưởng thức. Bạn nên đợi nước lẩu thật sôi rồi bắt đầu cho thức ăn vào nồi. Với loại thực phẩm đã thái mỏng, bạn nhúng trong nồi khoảng 3 phút để thịt chín kỹ. Các loại hải sản có vỏ dày như tôm, sò, ốc hoặc thực phẩm dạng viên nên nấu khoảng 10 phút.
Ăn mặn, đun sôi lẩu nhiều lần không tốt cho sức khỏe
Nước lẩu đun sôi lâu thường mặn. Nếu bạn ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Khanh, ăn mặn thường xuyên làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Lẩu đun sôi nhiều lần dễ bị biến chất, sinh ra nitrite. Khi tác dụng với các axit amin trong cơ thể, nitrite tạo thành hợp chất nitrosamines có khả năng phá hỏng cấu trúc DNA, gây đột biến gene, tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Nước lẩu đun sôi kéo dài còn làm phân hủy các loại vitamin, chất béo bị bão hòa. Lúc này, lượng purin, chất béo trong nước cũng tăng lên. Nếu tiếp tục sử dụng, có thể làm tăng axit uric máu, không tốt cho sức khỏe, nhất là người mắc bệnh gout, huyết áp cao, đái tháo đường. Do vậy, mọi người nên hạn chế uống nước lẩu, cần thay nước sau khoảng 30-60 phút đun sôi, không tái sử dụng cho bữa ăn sau để đảm bảo an toàn.
Khó tiêu, rối loạn tiêu hóa
Lẩu có nhiều loại gia vị, dầu mỡ, đạm và chất béo nên dễ đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Các loại lẩu phủ tạng như lẩu lòng, lẩu tim... thường ngon miệng nhưng có nhiều cholesterol và axit uric. Nếu kéo dài bữa ăn quá lâu, cơ thể có xu hướng nạp thêm nhiều đồ ăn, khiến thừa năng lượng, tăng cholesterol máu. Thời gian hợp lý cho một bữa ăn không nên quá 2 giờ, một tuần chỉ nên ăn tối đa một bữa lẩu.
Thói quen cho nhiều sa tế, ớt cay vào lẩu cũng không tốt. Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, ăn món này quá cay có thể làm kích ứng, xung huyết, phù nề lớp niêm mạc dạ dày và đường ruột. Khó tiêu do ăn lẩu với các triệu chứng như đau vùng thượng vị sau ăn, ăn nhanh no... Biểu hiện này giống triệu chứng của loét dạ dày tá tràng nhưng khi nội soi sẽ không thấy có loét dạ dày tá tràng.
Mọi người nên hạn chế sử dụng các gia vị chế biến sẵn do chúng có thể chứa các loại hóa chất, phẩm màu không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất bạn nên tự chế biến nước lẩu tại nhà từ các nguyên liệu tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn. Bữa ăn cần cân bằng giữa tinh bột, rau xanh và thịt cá tươi, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và năng lượng.
Trịnh Mai