Nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ tháng 5/2020 cho thấy, có 36% bệnh nhân Covid-19 gặp các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, đau đầu, bệnh não..., 5,9% bệnh nhân bị đột quỵ cấp sau 10 ngày xuất hiện triệu chứng. Tỷ lệ người trẻ (30-50 tuổi) bị đột quỵ cao gấp 7 lần so với lúc chưa có dịch Covid-19.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tốt các vấn đề như tăng huyết áp, tiểu đường, nồng độ cholesterol (lipid) cao, xơ vữa mạch vành và béo phì, từ đó giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và tái phát đột quỵ.
Thực phẩm nên tăng cường để phòng đột quỵ
Thực đơn phòng ngừa đột quỵ hướng đến những thực phẩm có khả năng điều hòa huyết áp và ngăn chặn quá trình viêm - hai yếu tố chính giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ. Thực đơn gồm 4 nhóm thực phẩm:
Thực phẩm giàu kali
Bác sĩ Yến Thủy dẫn nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ đủ lượng kali cần thiết hàng ngày có thể giảm 24% nguy cơ đột quỵ. Trung bình người trưởng thành cần khoảng 4.700 miligam kali/ngày - lượng được coi là đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng.
Nguồn thực phẩm chứa hàm lượng kali cao mà bạn không nên bỏ qua là mơ khô (một chén nhỏ mơ khô chứa 1,511 miligam kali), trái bơ (một chén nhỏ bơ xay nhuyễn chứa khoảng 1.116 miligam kali), khoai tây (một củ khoai tây cỡ trung bình nguyên vỏ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu kali hàng ngày), chuối (một quả chuối cỡ trung bình chứa 422 miligam kali). Ngoài ra, những loại rau quả như măng tây, dưa leo, nấm, củ cải, củ dền, dưa hấu, cam... cũng sẽ cung cấp lượng kali đáng kể.
Thực phẩm giàu magiê
Magiê là loại khoáng chất vi lượng quan trọng giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ điều chỉnh sự co cơ, giữ nhịp tim đều đặn và giảm nguy cơ đột quỵ.
Các loại thực phẩm có thể đảm bảo hàm lượng magiê trong cơ thể phải kể đến là hạt điều (một ounce tương đương 28 gram hạt điều chứa khoảng 74 miligam magiê); rau bina (một chén rau bina luộc chứa 157 miligam magiê), hạt bí ngô (một ounce hạt bí ngô chứa 168 miligam magiê), chocolate đen (một ounce chocolate đen cung cấp 20% nhu cầu magiê mỗi ngày cho phụ nữ và 15% cho nam giới). Một số món ăn giàu magiê khác là đậu nành, đậu lăng, lúa mì, yến mạch, rau lá xanh...
Thực phẩm giàu lycopene
Lycopene là chất dinh dưỡng có tác dụng chống oxy hóa và nhờ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Một phân tích công bố trên Tạp chí Thần kinh cho thấy, nam giới trong độ tuổi từ 46 đến 65 có nồng độ lycopene cao sẽ bị đột quỵ thấp hơn từ 55 đến 59%. Vì vậy, trong khẩu phần dinh dưỡng giảm đột quỵ không thể thiếu những thực phẩm chứa hàm lượng lycopene cao như ổi, dưa hấu, đu đủ, bưởi hồng, cà chua...
Thực phẩm giàu omega-3
Axit béo omega-3 điều hòa huyết áp và cân bằng mức độ cholesterol - hai yếu tố gây đột quỵ nếu chúng tăng cao trong nhiều năm. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ, ăn cá một hoặc hai lần mỗi tuần cung cấp nguồn chất béo omega-3 tốt giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và nhiều vấn đề thần kinh khác như trầm cảm hay Alzheimer. Bên cạnh các loại cá (như cá hồi, cá thu, cá trích...), bạn nên tận dụng thêm "kho" omega-3 dồi dào là hàu và quả óc chó.
Thực phẩm nên tránh để giảm nguy cơ đột quỵ
Bác sĩ Yến Thủy chia sẻ thêm, để nâng cao hiệu quả kiểm soát đột quỵ, một mặt chú trọng tăng cường những thực phẩm chứa 4 nhóm dưỡng chất tốt kể trên, mặt khác cần cắt giảm tiêu thụ xuống mức thấp nhất 3 loại thực phẩm sau:
Đồ ăn chứa hàm lượng cholesterol cao
Thông tin từ Hội Đột quỵ TP HCM cho thấy, nếu cân bằng được hàm lượng cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Do đó, bữa ăn hàng ngày nên tránh các loại đồ ăn chứa lượng cholesterol xấu cao như gà chiên, khoai tây chiên, pizza, hamburger, thịt xông khói, xúc xích, kem...
Soda ăn kiêng
Nhiều người nghĩ dùng soda ăn kiêng thay cho các loại nước ngọt khác sẽ giúp giảm cân an toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu từ trường Đại học Y khoa Boston công bố trên Tạp chí Đột quỵ đã chứng minh những người uống loại soda này ít nhất một lần mỗi ngày có thể tăng gấp 3 lần nguy cơ đột quỵ. Do đó, nếu đang có ý định giảm cân bằng thứ nước uống này, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn sử dụng đúng cách hoặc đưa ra giải pháp thay thế hợp lý hơn.
Thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn
Nghiên cứu công bố vào tháng 9/2019 trên Tạp chí Y khoa Anh phát hiện, những người ăn chay và những người ăn cá nhưng không ăn thịt có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ thấp hơn 13% so với những người ăn thịt. Một phân tích tổng hợp khác về thịt cho thấy, nguy cơ đột quỵ tăng 10% nếu ăn 100 gram thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn mỗi ngày.
Theo bác sĩ Yến Thủy, một yếu tố khác là chất độc hại PCB (Biphenyls Polychlorinated) có thể tích tụ trong mỡ động vật khiến tỷ lệ đột quỵ ở những người thường xuyên ăn thịt tăng lên đến 8 hoặc 9 lần. Vì thế, bạn nên làm phong phú bữa ăn bằng các nguyên liệu khác thay vì ăn thịt mỗi ngày. Cùng với thực đơn ăn uống khoa học cũng cần bổ sung thêm dưỡng chất thiên nhiên có công dụng kiểm soát gốc tự do (thường xảy ra khi cơ thể bị stress hoặc tiếp xúc với các yếu tố độc hại như khói thuốc lá, rượu bia, tia UV, ô nhiễm không khí...). Gốc tự do được xem là "thủ phạm" làm tổn thương nội mạc mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa và cục huyết khối, cản trở cung cấp oxy và dưỡng chất đến não, dẫn đến cơn đột quỵ.
Nghiên cứu dưới cấp độ sinh học phân tử cho thấy, sự kết hợp của 2 tinh chất Blueberry và Ginkgo Biloba sẽ đem lại tác dụng chống gốc tự do. Với đặc tính trọng lượng phân tử nhỏ, hai tinh chất này có khả năng vượt qua hàng rào máu não, trung hòa các gốc tự do để bảo vệ tế bào thần kinh và mạch máu não. Đồng thời, chúng còn kích hoạt các men chống gốc tự do tự nhiên của cơ thể, góp phần ngăn chặn hình thành xơ vữa mạch máu và huyết khối, giúp khơi thông dòng máu lên não, phòng ngừa đột quỵ.
Anh Ngọc