Chất béo trung tính (triglyceride) xuất hiện nhiều nhất trong máu, có chức năng cung cấp năng lượng và bảo vệ cơ thể. Mức triglyceride cao hay thấp bất thường đều tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, viêm tụy cấp, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh cường giáp, rối loạn dinh dưỡng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết triglyceride thường chiếm khoảng 95% tổng lượng chất béo trong chế độ ăn uống. Gần như tất cả thực phẩm có chất béo, dù là chất béo động vật hay thực vật, đều chứa triglyceride. Dưới đây là những lưu ý trong chế độ ăn uống hàng ngày giúp kiểm soát hoặc duy trì triglyceride máu ở mức khỏe mạnh.
Tăng cường omega-3 hỗ trợ giảm sản xuất triglyceride và tăng HDL (cholesterol tốt) trong máu, loại bỏ những mảng bám gây xơ vữa, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch. Omega-3 có nhiều trong dầu ôliu, mỡ cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu), các loại hạt (hạt chia, hạt vừng, hạt điều, hạnh nhân).

Trái cây có nhiều chất xơ góp phần kiểm soát chất béo trung tính. Ảnh: Kim Uyên
Ăn nhiều chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan từ trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, hỗ trợ ruột hạn chế hấp thụ chất béo, tạo cảm giác no lâu. Từ đó hạn chế hấp thụ calo thừa - nguyên nhân chính gây tăng triglyceride máu.
Hạn chế carbohydrate và đường góp phần giảm sản xuất và lưu trữ lượng triglyceride không cần thiết. Vì nguồn carbohydrate tinh chế (chứa trong cơm trắng, bánh mì trắng, phở, bún, hủ tiếu) và đường, tiêu thụ quá mức, có thể nhanh chóng được gan chuyển hóa thành triglyceride và lưu trữ dưới dạng mỡ.
Giảm chất béo bão hòa giúp gan giảm sản xuất triglyceride. Chất béo bão hòa thường được tìm thấy trong thịt đỏ (heo, bò, cừu, dê), mỡ gia cầm (gà, vịt), sữa động vật và sản phẩm từ sữa nguyên kem (bơ, phô mai, kem).
Giảm khẩu phần ăn có thể giảm lượng calo hấp thụ vào cơ thể. Từ đó, hạn chế nguy cơ gan sản xuất quá nhiều triglyceride, góp phần phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết thêm mỗi người nên kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học với luyện tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá (nếu có sử dụng), giảm căng thẳng. Bổ sung thêm hợp chất sinh học GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) hỗ trợ kiểm soát triglyceride trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu, phòng tránh bệnh tim mạch.
Người có mức triglyceride máu từ 150 mg/dL (milligrams per deciliter) trở lên nên đi khám chuyên khoa tim mạch và dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn cách kiểm soát bệnh, chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |