Chế độ ăn là một phần quan trọng khi muốn giảm các triệu chứng ợ chua khi bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa Thế giới của Mỹ, sau thời gian bổ sung 15 gram chất xơ psyllium mỗi ngày cho những những người bị chứng ợ nóng do trào ngược dạ dày thực quản, các sự cố trào ngược axit ít hơn và triệu chứng ợ chua đã giảm thấy rõ. Các bữa ăn giàu chất béo thường là nguyên nhân làm chậm quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, thực phẩm có tính axit cao là nguyên nhân làm tăng axit dạ dày gây kích thích thực quản.
Căn cứ vào các nghiên cứu trên, các chuyên gia cho rằng người bị trào ngược dạ dày thực quản cần tuân thủ chế độ ăn theo khuyến cáo.
Trái cây: trái cây có múi như cam, bưởi và dứa có khả năng gây trào ngược vì hàm lượng axit cao. Ngoài những loại đó, tất cả các loại trái cây khác đều là lựa chọn tốt.
Rau: tất cả các loại rau đều giúp tăng chất xơ. Lưu ý tránh cà chua, nước sốt cà chua và ớt cay, một số người có thể cũng không hợp với hành và tỏi. Để tăng lượng chất xơ, bạn nên ăn rau trong cả bữa chính và bữa phụ.
Ngũ cốc nguyên cám: như yến mạch, gạo lứt, quinoa, 100% lúa mì nguyên hạt, cám lúa mì và tất cả các loại ngũ cốc nguyên cám khác là những nguồn chất xơ tốt. Bạn nên ăn một khẩu phần nhỏ trong mỗi bữa ăn.
Thực phẩm từ sữa: hạn chế sữa nguyên chất, kem và sữa chua nhiều chất béo. Thực phẩm từ sữa có thể làm tăng axit trong dạ dày và thực phẩm giàu chất béo có thể làm giãn cơ thắt thực quản. Thay vào đó, người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể chọn những khẩu phần nhỏ có ít chất béo hoặc các sản phẩm sữa không đường.

Thực phẩm từ sữa ít béo không có lợi gười bị trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh: Freepik
Các loại thịt: tránh các loại thịt có nhiều chất béo và nhiều gia vị như thịt xông khói, xúc xích, bánh mì kẹp thịt, gà rán, mì ống... Thịt nạc bò hoặc thịt lợn, thịt gia cầm bỏ da và hải sản là những thực phẩm bạn nên chọn.
Chất béo: sử dụng chất béo lành mạnh như dầu ôliu và bơ ở mức độ vừa phải. Tránh thức ăn chiên như khoai tây chiên và thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc nước thịt làm từ mỡ thịt.
Gia vị, thảo mộc: ăn các loại thảo mộc tươi hoặc khô như húng quế, mùi tây, rau kinh giới hoặc cỏ xạ hương và tránh các loại gia vị mạnh, nóng như quế, bột cà ri, ớt, ớt bột. Bạc hà có thể là nguyên nhân kích thích trào ngược dạ dày thực quản ở nhiều người.
Socola: làm tăng axit trong dạ dày. Vì vậy tốt nhất nên tránh bất kỳ loại kẹo, món tráng miệng hoặc bánh nướng nào có chứa socola.
Đồ uống: nước lọc hoặc nước pha trái cây, trà thảo mộc không chứa caffeine có thể làm dịu các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Bạn nên tránh trà bạc hà nhưng trà cam thảo có thể sử dụng vì giúp dịu chứng ợ nóng và chữa lành lớp niêm mạc trong thực quản.
Tránh cà phê và rượu vì chúng làm tăng axit và gây kích ứng dạ dày và thực quản. Dù không chứa caffeine nhưng nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu khi sử dụng đồ uống có gas. Do vậy nên chú ý những phản ứng của cơ thể để có điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh lựa chọn thực phẩm, thời gian ăn và cách ăn cũng quyết định đến các triệu chứng của bệnh này. Các chuyên gia khuyến cáo, người bị trào ngược dạ dày thực quản nên cố gắng ăn tối ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ, không ăn đêm và giữ tư thế thẳng lưng cho đến khi bạn đi ngủ.
Bạn nên ăn từng bữa nhỏ thay vì ăn nhiều thức ăn trong một bữa. Ăn quá nhiều trong một bữa ăn tạo ra nhiều axit trong dạ dày hơn, mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và gây thêm áp lực lên thực quản dưới, tất cả đều làm cho chứng ợ chua dễ xảy ra hơn. Để có những bữa ăn lành mạnh hơn, ít calo và chất béo, bạn nên tránh ăn thức ăn chiên ngập dầu.
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)