Trả lời:
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận hơn 500 chức năng khác nhau như thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, chuyển hóa dưỡng chất... Tuy nhiên, theo thời gian, sự thay đổi bên trong, cùng với nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài như ăn nhiều chất béo, rượu bia, thực phẩm chứa nhiều hóa chất, tác dụng phụ của thuốc điều trị khiến tế bào Kupffer (tồn tại ở xoang gan) hoạt động quá mức. Tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm, làm tổn thương tế bào gan, gây ra các loại bệnh lý về gan.
Bên cạnh điều trị, chế độ ăn uống cho người bệnh gan cũng cần được chú trọng. Người mắc các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan có nên ăn gan cũng là thắc mắc của nhiều người. Tuy nhiên, quan niệm ăn gan bổ gan hoàn toàn sai lầm. Về mặt khoa học, muốn biết loại thực phẩm nào đó tốt cho cơ thể hay không cần hiểu rõ thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng của nó.
Gan giàu dinh dưỡng, độ đạm cao. Trong 100 g gan heo có 18,9 g đạm, tiếp đó là gan gà, gan bò, gan vịt. Gan còn chứa vitamin A, B, D cùng axit folic, axit nicotinic có lợi cho sức khỏe. Lượng vitamin A trong gan cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt, cá. Trong 100 g gan gà có 6.960 mcg vitamin A, trong gan lợn là 6.000 mcg, trong gan bò có 5.000 mcg.
Gan lợn, bò, gà cũng có hàm lượng chất sắt với tỷ lệ tương ứng trong 100 g đối với mỗi loại là 12 g, 9 g, 8 g. Do đó, những người thiếu máu hay suy nhược nên bổ sung loại thực phẩm này. Hàm lượng vitamin C và selen nhiều trong gan cũng giúp tăng cường sức miễn dịch.
Với những giá trị dinh dưỡng này, gan là loại thực phẩm có lợi có sức khỏe. Tuy nhiên, gan có lượng cholesterol cao nên ăn quá nhiều có thể gây phản tác dụng. Những người mắc bệnh gan nên hạn chế thực phẩm này vì gan chứa nhiều mỡ. Trong 100 g gan gà, vịt, lợn chứa lượng cholesterol tương ứng là 440 mg, 400 mg, 300 mg.
Người mắc các bệnh lý về gan vốn dĩ chức năng chuyển hóa đã bị suy giảm. Khi cơ thể thu nạp quá nhiều gan động vật với hàm lượng chất béo cao khiến cơ quan này phải làm việc quá sức, vô tình gây thêm gánh nặng cho gan, khiến bệnh tiến triển nặng.
Những người mắc các bệnh viêm gan, rối loạn chuyển hóa, người bị tăng cholesterol máu, thừa cân - béo phì, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tiểu đường không nên ăn gan động vật. Gan là thực phẩm chứa nhiều vitamin A và đồng. Ăn nhiều thực phẩm này dẫn đến nhiễm độc đồng và ngộ độc vitamin A, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, mọi người không nên ăn gan mỗi ngày. Người có sức khỏe bình thường cũng chỉ nên ăn một lần mỗi tuần.
Để gan hoạt động khỏe mạnh, cần ăn uống khoa học, cân đối các nhóm dưỡng chất, tăng cường các thực phẩm dễ tiêu hóa như rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, cá giàu omega-3, các. Lối sống lành mạnh, duy trì tập luyện thể thao 30 phút mỗi ngày, uống đủ nước, hạn chế rượu bia cũng tốt cho sức khỏe. Chọn thực phẩm sạch, tránh thực phẩm bẩn và các hóa chất độc hại từ các sản phẩm cũng giúp bảo vệ gan.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM