Trả lời:
Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn đồ ngọt cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, căng thẳng. Điều này là nhờ não giải phóng nhiều hormone phấn chấn như dopamin, seretonin, tạo cảm giác dễ chịu.
Tuy nhiên, thức ăn ngọt chỉ hỗ trợ tạm thời, không thể thay thế cho các biện pháp điều trị khi căng thẳng. Lạm dụng thường phản tác dụng, dẫn đến mất cân bằng chất hóa học trong não. Sự mất cân bằng này làm trầm cảm trầm trọng hơn, tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần.
Người có thói quen ăn thực phẩm nhiều đường, nếu ngừng đột ngột, tâm trạng dễ bị ảnh hưởng. Tác dụng phụ có thể xảy ra như cáu gắt, lo sợ, hoang mang, mệt mỏi, chán nản. Cai nghiện đồ ngọt có thể xuất hiện triệu chứng giống cai nghiện chất kích thích khác.
Đồ ngọt còn gây tăng cân, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn chuyển hóa đường máu, giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, mắc bệnh tim mạch.
Chế độ ăn lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát stress (dù hiệu quả không diễn ra tức thì). Bạn ưu tiên rau củ quả, cá béo, tránh ăn quá no và thực phẩm khó tiêu hóa. Vì vấn đề tiêu hóa có thể làm stress nặng hơn và ngược lại. Thư giãn, tập yoga, ngủ đủ giấc, gặp gỡ bạn bè, cười nhiều hơn, suy nghĩ tích cực, massage... giảm căng thẳng.
Khi các vấn đề tâm lý như stress kéo dài, nghiêm trọng hơn, bạn cần đi khám chuyên khoa thần kinh, tâm lý để được can thiệp.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả có thể gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ tư vấn.