Bộ Công Thương đang nghiên cứu cho phép hộ gia đình lựa chọn cách tính một giá điện thay vì buộc phải tính theo biểu giá bậc thang như hiện nay. Nhiều độc giả VnExpress đồng tình với đề xuất này:
Cứ cho về một giá cho dễ tính, công khai, minh bạch, và sòng phẳng. Kinh doanh hay hộ gia đình, nhà giàu hay nhà nghèo thì cũng là tiền cả, cũng là mồ hôi và công sức của người ta. Ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít, bỏ ngay cái suy nghĩ nhóm này phải bù cho nhóm kia đi.
Nên có phương án một giá vì: Nếu công ty điện bán điện đến trạm biến áp tổng, rồi đơn vị thầu lại phân phối lại cho các hộ dân, giả định một hộ gia đình dùng 450 số điện mỗi tháng, nhưng vì lợi ích cá nhân, người ghi số điện tháng thứ nhất chỉ ở mức 300 số (tức để 150 số tính dồn cho tháng sau), tháng sau là 600 số. Như vậy, tổng hai tháng vẫn là 900 số. Nhưng tổng tiền cho hai tháng là khác nhau nhiều. Do giá điện bậc thang, nên từ số 401 trở lên chênh rất nhiều, kết quả là tiền tăng lên.
Ủng hộ cách tính một giá điện. Xã hội công bằng mà cứ người giàu thì tính nhiều, người nghèo tính ít. Trong khi gia đình tôi 10 người sống chung một nhà, mỗi tháng dùng 400 kW điện, còn nhà bên cạnh hai vợ chồng trẻ hết 250kW. Vậy nhà ai tiết kiệm điện hơn?
>> 'Văn phòng nghỉ dịch, tiền điện vẫn y hệt tháng trước'
Trong khi đó, không ít ý kiến lại phản đối việc tính điện một giá khi cho rằng phương án này sẽ tạo ra bất công giữa người giàu và người nghèo:
Giá bậc thang như lâu nay là có lợi cho người nghèo. Còn san phẳng kiểu này thì mấy ông nhà giàu là thích nhất. Tôi đề xuất thêm một phương án nữa: không tính theo bậc thang mà tính theo gói. Ví dụ, gói 100 kWh, gói 300 kWh, gói 500 kWh... nhà nào muốn xài giá rẻ thì đăng ký giá gói thấp. Nếu vượt quá thì sẽ chịu cộng thêm 20% cho tổng số kWh sử dụng. Vậy sẽ đảm bảo được người dùng ít sẽ có lợi và ý thức cũng nâng cao hơn từ đó giảm lượng tiêu thụ điện trên toàn quốc.
EVN có thể bán điện một giá, là giá trung bình giữa đắt nhất và rẻ nhất. Tuy nhiên, lúc đó không công bằng cho người nghèo, là những người chỉ xài trong phần sản lượng "thủy điện". Vậy tại sao lại bắt họ phải trả với mức giá của điện dầu vô nữa?
Tôi đơn giản hóa công thức thế này: Thủy điện giá X, sản lượng Y, chia cho 30 triệu hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh, mỗi hộ được T kWh thủy điện. giá X. Nhiệt điện tương tự, giá 2X, mỗi hộ được N kWh nhiệt điện giá 2X... Tương tự với điện mặt trời và điện dầu. Những người nào chỉ xài mức T kWh thì họ chỉ nên trả mức giá Z. Ai xài lố lên mức N kWh thì phải trả khúc lố đó giá 2X...
Tại sao phải phân chia như vậy? Vì thủy điện là tài nguyên của toàn dân, không phải của người giàu. Toàn bộ người giàu và nghèo đều được hưởng số T kwh thủy điện như nhau. Còn bạn muốn trộn toàn bộ các mức giá, rồi chia cho số hộ, như vậy, hộ nghèo sẽ chỉ được hưởng 1 kWh điện thủy điện, còn hộ giàu tới 20 kWh, vậy có công bằng không?
Cách tính bậc thang không sai với tình hình kinh tế và độc quyền điện như hiện nay ở Việt Nam. Cái sai nằm ở chỗ chỉ số mỗi bậc. Với tình hình kinh tế đời sống xã hội hiện nay, hộ nào ít cũng phải trăm số, đó là mức tối thiểu, chứ 50 số chắc chỉ đủ thắp sáng. Cần điều chính khoảng lại khoảng cách giữa các bậc sao cho phù hợp với thực tế: 0-100, 100-200, 200-300...
>> Tiền điện tăng vọt - khách hàng làm sao giám sát?
Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, một số độc giả đề xuất phương án chỉ tính hai bậc giá điện:
Sao không kết hợp cả hai phương án lại. Chỉ nên có hai bậc thang: một bậc 200 số đầu giá rẻ (hoặc 300 số nếu là trung bình của những hộ nghèo) và một bậc hơn 200 số giá cao hơn cho tất cả.
Chỉ cần hai khung giá:
- Dưới 100 kWh một giá chung để hỗ trợ người nghèo.
- Trên 100 kWh một giá chung, ai vượt lên giá đó thì tính tiền theo khung giá cao hơn.
Đây là phương án hợp lý mặc dù nó đang ngược lại hết với thị trường kinh doanh hiện đại: mua càng nhiều thì giá càng rẻ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.