Chia sẻ xung quanh câu chuyện "Sống chung với rác", nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc thiếu ý thức phân loại rác từ đầu nguồn chính là lý do khiến tình trạng rác thải ùn ứ ngày càng nghiêm trọng:
Phần lớn không ai chịu được mùi rác nhưng chẳng được mấy người từ chính những thành phần dân trí cao chịu phân loại rác. Tôi nghĩ ở xã hội nào cũng vậy, người trẻ, người có dân trí cao nên làm gương cho một nếp sống đẹp. Giống như xưa người Hà Nội là một tiêu chuẩn. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh nha sĩ gần nhà, đi ôtô sang chảnh, có vợ đẹp, con xinh ngày nào cũng đứng từ cửa nhà cũng chính là phòng khám của anh ta ném bộp túi rác vào bãi rác tự phát trước cửa đối diện bên đường. Hành động của anh ta rất thuần thục, mau lẹ, trong khi cái xe rác chỉ cách đó hơn 10-15 mét. Tôi tự hỏi tại sao những anh chị dân trí cao, là người mơ đến xã hội văn minh nhiều nhất, nhưng nếp sống văn minh từ cái nhỏ như chuyện phân loại và vứt rác lại không chịu làm.
Trước khi kêu than, chúng ta nên tự ngẫm lại bản thân. Chị tôi ở chung cư thuộc hàng trung cấp. Căn bên cạnh, hàng xóm thay không biết bao nhiêu chủ chỉ vì ống rác sát cạnh bị vứt bất kể ngày đêm. Rác không phân loại, có cả chai lọ cộng hưởng với lực ném cực mạnh. Còn nhà vợ tôi ở mặt phố lớn, cứ căn giờ ăn cơm tối xong lại phải lùa trẻ con vào nhà vì sợ không biết các bác hàng xóm sáng ra bóng mượt, xực nước hoa thơm ngào ngạt, quẳng những túi "bom rác" lúc nào không hay (tầng một họ cho thuê nên ngại xuống vứt). Hay ngay như nhà tôi trong ngõ, tối tối, các nam thanh nữ tú, các bố, các mẹ đi dạo phố hay tập thể dục thành hàng, để lại những hàng túi rác cũng dài như vậy bên bậc cửa nhà nhau mặc dù có vài thùng rác lớn túc trực liên tục ở đầu ngõ.
Ai cũng kêu về rác nhưng tôi để ý thấy họ kêu xong thì lượng rác họ thải ra vẫn nhiều như thế, vẫn bạ đâu vứt đó miễn nó ra khỏi nhà mình như thế. Trên tầng nhà tôi có một gia đình, vợ kỹ sư, chồng tiến sĩ (người Hà Lan) mà nhà đó con ăn bánh kẹo hiệu gì, chồng hút thuốc của hãng nào tôi nắm rất rõ vì mỗi sáng đều đi lượm ở ban công. Tôi từng phải chịu mùi rác, cũng đấu tranh, mỗi ngày đều cố gắng giảm lượng rác thải ra và ngày đêm mong ngóng phân loại rác được thực thi, thậm chí còn ủng hộ thu tiền rác thật cao (tất nhiên phải sử dụng tiền đó hiệu quả). Tại sao 3R (hay 5R) thì giảm thải đứng đầu tiên? Vì nó là căn cốt, bảy tỷ người xả rác xả láng lên "hòn đá" bé tí trong vũ trụ này, thì chẳng mấy mà nhấn chìm nó. Hãy giảm thải, rác gì cũng giảm, sống giản dị, nhường sự sống cho con sâu, cái kiến nữa.
>> 'Rác ngập phố Trung Thu không vì thiếu thùng rác'
Trong khi đó, số khác lại cho rằng việc người dân chủ động phân loại rác cũng không thể quyết định tất cả nếu không có sự chung sức của lực lượng thu gom rác thải:
Không phủ nhận điều nếu trên là không sai. Nhưng các bạn có nghĩ khi người dân phân loại rác ra nhưng công nhân môi trường đi lấy rác có phân rác ra không? Hay họ lại dồn chung lại đổ hết vào xe rác? Vậy công sức phân loại ra để làm gì? Tôi cũng từng thấy có báo đăng ảnh châm biếm rõ ràng về việc này.
Người làm khoa học luôn hô hào phân loại rác, nhưng công ty thu gom rác lại chỉ dùng có một loại xe để vận chuyển. Thế là hai thùng "rác hữu cơ" và "rác thải nhựa" được trộn vào xe của công ty thu gom. Ở Việt Nam, nhiều dự án người ta vận động người dân phải phân loại nhưng hầu như đều quên mất trách nhiệm của công ty thu gom.
Nhiều người cũng thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng không quan tâm hoặc không tìm hiểu công ty thu gom rác có thực hiện tiếp công đoạn phân loại hay không? Nếu theo dõi tin tức, bạn sẽ biết rằng, hiện nay, chưa có công ty nào đầu tư công nghệ xử lý rác cả vì chi phí cao và rác sau khi xử lý không có đầu ra tức là không biết để làm gì, nên cuối cùng chôn rác là cách duy nhất. Có vài công ty nhỏ có công nghệ đốt rác để làm ra điện nhưng rất tốn kém về chi phí và lượng điện sinh ra cũng không bán thương mại được. Rốt cuộc, tất cả đành chỉ sử dụng cho gia đình nhỏ lẻ.
>>Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây