(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tuy chỉ mới đầu mùa mưa nhưng bãi rác Cam Ly (một bãi rác lộ thiên của Đà Lạt) đã xảy ra sạt trượt khối lượng lớn rác thải sinh hoạt từ đỉnh đồi xuống thung lũng, gây mùi hôi thối nặng nề, kèm theo những dòng nước đen ngòm chảy ra từ rác có thể gây ô nhiễm nguồn nước và diện tích đất nông nghiệp của người dân.
Hiện tượng này từng xảy ra vào tháng 8/2019, sau những cơn mưa lớn liên tục nhiều ngày, hàng ngàn mét khối rác tại bãi rác Cam Ly đã bị sạt trượt xuống thung lũng. Rác kéo thành một vệt dài hàng trăm mét từ đỉnh đồi, nhìn từ xa như một thác nước khổng lồ, phủ lấp gần 2 hecta đất nông nghiệp của người dân. Đà Lạt đã phải mất thời gian khá lâu để xử lý sự cố bằng việc đào đất đắp chắn như một con đê để ngăn rác.
Chưa chấm dứt ở đó, cuối tháng 12/2019, khi Đà Lạt vừa kết thúc Festival hoa thì bãi rác Cam Ly lại bốc cháy, khói và mùi khét bao phủ cả một vùng rộng lớn của Đà Lạt. Chính quyền thành phố đã phải huy động nhiều lực lượng tham gia dập lửa tại bãi rác trong một tuần.
Và mới đây nhất, ngày 6/7 vừa qua, sạt trượt lại tiếp tục xảy ra, vào thời điểm Đà Lạt chỉ có những cơn mưa giông nhẹ vào buổi chiều, lượng mưa chỉ từ 15-20 mm mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ bãi rác Cam Ly lại tiếp tục quá tải, rác đã tràn qua hệ thống đê chắn mới được xây gần một năm trước.
Ngược dòng thời gian, đô thị Đà Lạt được hình thành từ trên 100 năm trước, dưới bàn tay quy hoạch rất bài bản, khoa học của người Pháp. Tuy là một đô thị được hình thành khá sớm ở Việt Nam, nhưng do những yếu tố đặc thù, Đà Lạt không khuyến khích việc nhập cư, nên đến nay dân số cư trú chỉ khoảng 300 ngàn người, trên diện tích 397 km2. 3/4 diện tích tự nhiên của Đà Lạt hiện nay vẫn là rừng và đất sản xuất nông nghiệp, đây là yếu tố quan trọng để tạo cho không khí Đà Lạt luôn trong lành. Đà Lạt được bao phủ bởi rừng thông, một loài cây lá kim có tác dụng thanh lọc không khí rất cao, chúng luôn thải một lượng lớn oxy đồng thời có khả năng hấp thu cabonic rất mạnh mẽ. Bởi thế, năm 2018 Đà Lạt là một trong ba thành phố của Việt Nam được vinh danh là thành phố du lịch "sạch’’ Asean.
Trong khi đó, bãi rác Cam Ly tồn tại đã nhiều năm và gây ô nhiễm nặng vì chỉ được xử lý thủ công bằng biện pháp chôn lấp. Năm 2012, Đà Lạt đã bắt tay vào việc xây dựng nhà máy phân loại và xử lý rác thải. Thời điểm này chưa nhiều đô thị ở Việt Nam nghĩ tới xây dựng nhà máy xử lý rác. Nhà máy này được xây dựng tại xã ngoại thành Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt trên 20 km. Năm 2015, nhà máy phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt Xuân Trường đi vào vận hành, chấm dứt 'sứ mạng' của bãi rác Cam Ly sau hàng chục năm.
>> 'Người Việt không phân loại rác thải nên chỉ xử lý chôn lấp'
Người dân Đà Lạt lúc đó rất phấn khởi và tự hào vì toàn bộ rác thải sinh hoạt của địa phương đều được đưa về nhà máy phân loại xử lý bằng công nghệ nghệ hiện đại. Sau khi phân loại, rác chỉ phải xử lý bằng cách đốt 30%, số còn lại được tạo ra hạt nhựa và phân vi sinh, đây chính là những nguồn năng lượng tái tạo hữu ích, phục vụ lại cho cuộc sống của con người.
Thế nhưng, niềm vui của người dân không kéo dài được lâu. Năm 2017, nhà máy xử lý rác Xuân Trường không xử lý kịp dẫn tới một lượng lớn rác thải ùn ứ tại nhà máy. Đơn vị vận hành nhà máy lúc đó đã lén lút xử lý thủ công bằng cánh chôn lấp và đã bị phát hiện, xử phạt. Công nghệ lạc hậu, thiết bị chưa đồng bộ , hoàn chỉnh khiến nhà máy xử lý rác Xuân Trường có thời điểm phải tạm dừng và nay chỉ hoạt động cầm chừng. Thiết bị chưa đồng bộ, hoàn chỉnh nên nhà máy phải sử dụng nhiều lao động. Không con cách nào khác, cùng trong năm đó, Đà Lạt đã phải mở cửa trở lại bãi rác Cam Ly và nay tình trạng quá tại đây đã đạt tới ngưỡng báo động đỏ.
Theo cơ quan chức năng Đà Lạt, lượng rác thải sinh hoạt của thành phố mỗi ngày hiện dao động từ 200-240 tấn, còn thấp khá xa so với công suất thiết kế của nhà máy xử lý rác thải Xuân Trường. Tuy nhiên, do những bất cập nên hiện nay nhà máy xử lý rác chỉ xử lý được 1/4 lượng rác thải của Đà Lạt, số còn lại buộc phải đưa về bãi rác Cam Ly chôn lấp. Biện pháp được đưa ra là tập trung khắc phục sự cố của bãi rác Cam Ly, đồng thời đốc thúc đơn vị vận hành nhà máy xử lý rác Xuân Trường hoàn thiện hệ thống để có thể vận hành theo đúng thiết kế.
Như đã nói ở trên, Đà Lạt có những yếu tố thuận lợi để tiên phong trong việc xử lý rác thải. Với một khối lượng rác "khiêm tốn", đương nhiên suất đầu tư cho nhà máy xử lý rác cũng không vượt quá khả năng tài chính của một thành phố du lịch mỗi năm đang đón trên 6 triệu du khách như Đà Lạt. Thậm chí, việc phải chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn nhưng thu hồi chậm để đầu tư nhà máy xử lý rác cũng vẫn đem lại hiệu quả trực tiếp cho thành phố du lịch nổi tiếng này. Ngay cả việc phân loại rác tại nguồn cũng không quá khó khăn với Đà Lạt do yếu tố mật độ dân số, bố trí dân cư khá thuận lợi cho việc quản lý.
Bên cạnh đó, Đà Lạt có trên 2.000 cơ sở lưu trú đến khách sạn hạng sao. Những cơ sở này chiếm một lượng khá lớn về rác thải nhưng ngược lại rất dễ quản lý bằng hình thức ký cam kết hoặc đưa vào bộ quy chuẩn về đánh giá, xếp hạng... Việc tiên phong xử lý rác thải ở Việt Nam rõ ràng nằm trong tầm tay của Đà Lạt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Quốc Dũng