Xung quanh câu chuyện về khu xử lý rác thải Đa Phước (TP HCM), nhiều độc giả VnExpress cho rằng, việc thành phố giao thêm rác và phê duyệt nâng công suất chôn lấp từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề:
Nhìn từ việc hô hào, vẽ vời về hệ thống xử lý rác thải Đa Phước, các quyết tâm mạnh mẽ trên bàn giấy nhưng sau đó lại tiếp tục "nới" cho VWS về công suất chôn lấp, có thể thấy rằng chúng ta không chỉ đang giải quyết phần ngọn, mà còn là đang làm ảnh hưởng tương lai của nhiều thế hệ dân khu phía Nam và cả thành phố. Khi mà một vấn đề cơ bản như thế này chưa giải quyết nổi, thì việc hô hào cách mạng nọ, công nghiệp kia chỉ là "nói cho sang miệng".
Tôi cho rằng, dù phải tốn bao nhiêu đi chăng nữa cũng phải đầu tư vào quá trình phân loại và xử lý rác. Cùng với nước sạch và thực phẩm sạch, xử lý rác hiện đại, triệt để là tiền đề cho một thành phố phát triển bền vững và văn minh, là cái gốc để chúng ta có thể mơ về các cuộc "cách mạng nhiều chấm không" như vẫn đang nói.
Giờ rộ lên việc hạn chế dùng chai nhựa, ống hút nhựa hay túi nilông. Tôi cho rằng việc đó còn thua xa việc phân loại rác và xử lý rác. Các nơi dùng đồ nhựa nếu phân loại tốt và tái sử dụng thì không đến nỗi nào đâu, việc này các nhà hàng, quán ăn rất dễ kiểm soát. Còn việc khó nhất là phân loại rác và đưa đến nơi xử lý thì chẳng thấy thành phố tuyên truyền, vận động thực hiện, giải pháp xử lý một cách bài bản, triệt để, mà tôi thấy việc này rất quan trọng.
>>'Nam Sài Gòn hôi khủng khiếp'
Chúng ta thường có thói quen là luôn đi giải quyết phần ngọn mà chưa bao giờ tập trung tạo tiền đề cho phần gốc nên cứ mãi loay hoay với bài toán nan giải. Một dây chuyền xử lý rác thải có hiện đại đến đâu thì vẫn phải có nguyên lý riêng của nó mà nó không thể làm thay con người được. Vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu trầm trọng việc tuyên truyền cho người làm phát sinh rác thải biết cách phân loại rác ngay từ ban đầu và cũng thiếu hẳn một chế tài xử phạt khi họ làm sai nên không thực hiện được cũng đúng thôi! Hãy học và làm theo người Nhật, chúng ta sẽ giải quyết được việc này.
Dây chuyền xử lý rác có hiện đại mấy nhưng quản lý, kiểm tra và vận hành dây chuyền đó như thế nào cũng thuộc về con người. Phân công, chỉ đạo, vận hành tổ hợp xử lý rác ở Đa Phước là do TP HCM. Nếu như đã đấu thầu bãi rác đó cho một đơn vị nào đó xử lý từ năm 2008 thì thành phố phải giám sát đơn vị đó tiến hành triển khai, lý do chưa đủ điều kiện triển khai thì thành phố cũng phải lập tức bàn, tháo gỡ những vướng mắc để làm sao đưa vào vận hành ngay, nếu chưa thể vận hành tất cả các công đoạn thì xử lý được công đoạn nào có thể trước thì cũng phải tiến hành ngay.
Mỗi năm, người dân thành phố cũng phải được biết tình hình bãi rác nó xử lý đến đâu, như thế nào? Hiện nay, thông tin có được chủ yếu do báo đài đưa tin chứ chưa thấy thành phố chủ động thông cáo cho người dân.
Một số đề xuất của tôi:
- Mỗi nhà có thùng rác riêng, ghi tên, số nhà, điện thoại liên lạc, hoặc khi đổ rác phải có thông tin dán lên bọc rác. Nếu không thì sẽ không thu gom bọc rác đó.
- Hàng tháng, hướng dẫn người dân phân loại rác. Sau một năm triển khai, hướng dẫn sẽ thi hành luật chính thức (Không thu rác chưa được phân loại; hộ nào không tuân thủ sẽ có chế tài xử phạt...)
- Trang bị xe phân loại rác, tập huấn nhân viên thu gom rác.
- Sau này sẽ tiến tới hướng dẫn người dân làm phân ủ tại nhà bằng rác hữu cơ, thức ăn thừa (cách này thì nhiều gia đình đã và đang thực hiện rất tốt tại Việt Nam), tìm cách hạn chế rác thải ra (đóng tiền dựa trên khối lượng rác thải ra).
- Làm được các khâu trên tốt rồi thì nhà máy hoạt động sẽ rất nhẹ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.