Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất phương án thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì phương án thu bình quân theo hộ như trước đây. Dự thảo cũng đề xuất người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng sẽ bị tính phí cao hơn. Nói về đề xuất này, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ hoài nghi về hiệu quả cũng như những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra:
1. Phân loại rác chưa làm được, vì bất kể phân loại ra sao, xe rác vẫn hốt trọn hết (chưa kể nhiều người không phân loại, hoặc có người bới rác).
2. Không có điểm tập kết rác cụ thể. Nếu bỏ rác trước cửa thì chẳng ai hốt, và bỗng dưng lại thêm bãi rác tự phát (thêm rác từ hàng xóm) trước cửa nhà.
3. Thu phí rác theo cân do đó không ổn, vì người dân sẽ đổ rác chỗ khác để tiết kiệm chi phí rác cho nhà mình.
Việc tính rác theo trọng lượng, với thói quen của dân ta, sẽ xảy ra hiện tượng bỏ rác lén lút bất cứ chỗ nào để giảm bớt tiền rác. Khi đó sẽ xảy ra tệ nạn vứt rác sang nhà hàng xóm, vứt xuống kênh, nơi công cộng. Thử nghĩ, chúng ta có đủ lực lượng để canh chừng 24/24 khắp các ngõ hẻm thành phố này không? Lúc đó, thu được tiền rác không đủ để xử lý nạn vứt rác tràn lan.
Không phải ai cũng có ý thức và tự giác. Nhà tôi cứ thường bị ai đó ném bịch rác của họ trước cổng nhà. Dĩ nhiên, tôi bực mình về điều này và tôi biết người ném rác trước cửa nhà người khác là người không chịu nộp phí vệ sinh hàng tháng. Tôi phản ánh việc này với khu phố nhiều lần nhưng vẫn như cũ. Nếu áp dụng thu phí theo lượng rác thải ra, chẳng lẽ tôi phải gánh thêm một lượng phí mà không phải rác do nhà tôi thải ra?
>> 'Nhà tôi phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn đổ lẫn vào với nhau'
Sợ nhất là "rác tặc", từ đâu đến vứt bừa ngay trước hoặc gần nhà mình. Nhân viên thu gom thì kiên quyết không nhặt lên xe rác mặc dù đây là con đường chung (không phải ngõ nhỏ) hàng ngày rất nhiều học sinh và người dân đi lại. Muốn được dọn rác đi thì những gia đình ở đây phải tự nhặt hoặc quét gom vào túi để trước cửa nhà mình. Nếu tính cân máy móc thì sau này không ai gom nữa. Chúng tôi ủng hộ quy định dự thảo nhưng phải có cách thức phù hợp tránh gây phiền phức. Phải có hình thức phát hiện và phạt nghiêm những "rác tặc". Công ty môi trường nên có quy định rõ để nhân viên quét dọn những con đường chung, tránh việc rác tích luỹ từ ít thành đường rác, bãi rác tự phát.
Tôi chưa hình dung được việc đó sẽ như thế nào? Chỉ sợ khi tính rác theo cân, ngoài "rác tặc" ra thì hàng xóm sẽ đánh lộn, chửi nhau khi ông này đem rác ra nhà ông kia, rồi cân điêu, cãi lộn tùm lum thì sao? Rồi khi tôi đang vắng nhà, ai là người sẽ kiểm tra việc cân rác?
Số rác có chủ thu được sẽ giảm đi một nửa nhưng số rác vô chủ sẽ tăng lên rất nhiều lần; số tiền đầu tư trả lương cho những người đi phạt sẽ bằng số tiền những người đi thu gom rác; và sau đó những người gom rác sẽ có thêm việc là đi nhặt rác khắp những nơi vắng vẻ; sẽ có thêm một cơ quan gọi tắt là sở cân rác có mặt tại khắp các tỉnh thành quận, huyện, làng, xóm; giờ làm nên cho nghỉ sớm 15 phút , đi làm muộn 15 phút để cân rác...
Chúng ta cứ loay hoay làm ngược nên rất khó mong đợi kết quả. Đầu tiên phải xây nhà máy rác thải đạt tiêu chuẩn, xử lý riêng rác vô cơ và hữu cơ. Tiếp đến là đầu tư hệ thống thùng rác và xe thu gom rác chuyên dụng. Tiếp theo là vận động, tuyên truyền phân loại rác tại nguồn trong 3-6 tháng. Cuối cùng là phạt thật nặng hành vi đổ trộm rác hay không phân loại, ngoài phạt tiền còn phải bắt đi phụ thu gom rác để hiểu nỗi khổ của công nhân môi trường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.