(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Để giải quyết vấn đề rác thải, chuyện thu phí theo cân là không khả thi, sẽ phát sinh ra việc phân biệt rác của người này, người nọ, rất phức tạp.
Chuyện này mấy nước văn minh họ làm thế nào?
Mỗi khúc đường họ có 1–3 thùng rác, tùy theo lượng rác thường xuyên của khu vực đó là bao nhiêu. Ví dụ, đặt một thùng rác mà vẫn đầy tràn ra ngoài thì họ đặt thêm một thùng nữa. Mỗi nơi có ít nhất một thùng rác thì người xung quanh không phải đi bộ quá xa để đổ rác (tương tự như việc đặt các trạm xe buýt). Mỗi ngày, các hộ xung quanh thùng rác sẽ đem rác nhà mình đến bỏ vào. Xe đổ rác đúng giờ nhất định đi qua nhặt rác ở thùng và chất lên xe.
Mỗi xe sẽ chịu trách nhiệm lấy rác trên một tuyến đường nào đó. Rác phải luôn ở trong thùng. Nếu rác tràn ra khỏi thùng thì xe rác ấy phải chịu phạt (đi bao nhiêu lần để lấy hết rác là chuyện của anh). Nếu lấy không hết rác, anh hoàn toàn có thể gọi cho công ty để điều thêm xe. Công ty không điều phối được xe thì công ty chịu trách nhiệm. Thùng rác đầy mà đúng giờ chưa thấy xe đến lấy rác, người dân có quyền gọi điện cho công ty vệ sinh môi trường để phản ánh.
Phí đổ rác thì sao?
Đây là phí môi trường tính theo đầu người. Hộ có bao nhiêu người thì cứ thế mà tính phí, không loại trừ bất kỳ người nào, bao gồm cả trẻ em. Nếu người dân chưa có ý thức phân loại rác thì mức phí cao hơn chút để trả lương cho người phân loại rác. Như vậy, bất kể rác anh thải ra nhiều hay ít, anh vẫn phải đóng phí như người khác. Hộ càng nhiều người thì tổng phí càng lớn. Với thùng rác rải đều khắp nơi, vứt rác ở đâu cũng như nhau, vứt rác gần nhà tất nhiên sẽ tiện hơn. Phí này đóng về cho công ty vệ sinh môi trường, giống như đóng tiền điện, tiền nước.
>> Nỗi lo 'rác tặc' nếu thu phí rác theo cân
Làm sao công ty biết nhà có mấy người mà thu? Hợp đồng thu dọn rác phải qua xác nhận của UBND phường, nơi người ta có lưu trữ tư liệu hộ tịch của từng hộ, không ai trốn được. Trường hợp định cư ở nơi này làm việc ở nơi khác (giống như dân quê lên thành phố làm việc) thì sao? Ai cũng phải có chỗ ăn chỗ ngủ (nhà riêng, nhà trọ, khách sạn, chung cư). Nhà riêng thì đóng như mọi người khác. Nhà trọ, khách sạn, chung cư thì ban quản lý những nơi này sẽ thu chung một lượt rồi trả cho công ty. Trừ khi anh "vô gia cư", ăn ngủ ở gầm cầu vỉa hè thì anh khỏi đóng.
Nếu ai cố tình chây ỳ không đóng thì sao? Khi ấy, anh sẽ bị chính quyền địa phương trục xuất khỏi nơi cư trú, tài sản thuộc sở hữu của anh ở đây vẫn là của anh. Việc này có liên quan đến luật cư trú. HĐND thành phố hoặc Quốc hội cần bổ sung điều khoản này vào luật.
Còn việc xử lý rác ở bãi rác lớn thì sao?
Ta phải học Đan Mạch và Thụy Điển. Rác hữu cơ, họ đem xử lý tiệt trùng, ủ, sấy các kiểu, làm phân sạch cung cấp cho các nhà vườn, tạo ra nông sản sạch. Rác vô cơ, cái nào tái chế được thì tái chế, không tái chế được thì họ phun keo kết dính, đưa vào máy ép chặt lại thành kiện cứng. Kiện này được dùng làm vật liệu xây dựng, làm đường... Họ không bỏ phí cái gì cả, kể cả đó là rác. Người ta kinh doanh rác đến mức trở thành tỷ phú, với họ rác cũng là tiền.
Đi du lịch khắp nơi phải để ý những chuyện nhỏ nhặt như vậy mới học hỏi được. Người ta làm cái gì cũng đơn giản, minh bạch. Trong khi chúng ta lại nghĩ những ý tưởng phức tạp, khó khả thi.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.