Men tiêu hóa (enzym tiêu hóa) là các protein có vai trò phân hủy thức ăn thành từng phần nhỏ, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất dễ dàng. Enzym tiêu hóa được sản xuất ở nhiều cơ quan khác nhau trong hệ tiêu hóa gồm miệng, dạ dày, tuyến tụy và ruột non. Mỗi loại men tiêu hóa đều có chức năng khác nhau như hỗ trợ tiêu hóa tinh bột, chất đạm, chất béo...
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thiếu hụt men tiêu hóa khiến cơ thể khó hấp thu một số loại thực phẩm, dễ dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, thiếu chất.
Người gặp vấn đề trong việc sản xuất men tiêu hóa hoặc cần tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa có thể dùng các chế phẩm men tiêu hóa theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bị tổn thương hệ tiêu hóa bẩm sinh hoặc rối loạn hoạt động tiết men tiêu hóa, mất cân bằng axit trong dạ dày, cần sử dụng men tiêu hóa lâu dài theo chỉ định của bác sĩ.
Người gặp vấn đề về hấp thụ dinh dưỡng hoặc xuất hiện các dấu hiệu như đầy bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, nên sử dụng men tiêu hóa để hỗ trợ hoạt động của đường ruột.
Trẻ biếng ăn, trẻ em có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, lượng men tiêu hóa tiết ra thường không đủ đáp ứng cho cơ thể. Khi trẻ biếng ăn kèm theo suy dinh dưỡng, tiêu chảy, đi ngoài phân sống, táo bón, chậm tiêu, chán ăn..., phụ huynh có thể cho con bổ sung men tiêu hóa theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người mới phục hồi sau ốm, người thể lực yếu cũng cần dùng men tiêu hóa do thời gian này hệ tiêu hóa thường chưa tiết men đầy đủ. Dùng loại men này giúp hoạt động tiêu hóa sớm trở lại bình thường, cơ thể hồi phục nhanh.
Người bị xơ hóa tuyến nước bọt, viêm tụy mạn tính, sau phẫu thuật cắt dạ dày, cắt tụy, u tụy, sau cắt ruột non mắc hội chứng ruột ngắn... được khuyến nghị sử dụng men tiêu hóa. Điều này hỗ trợ hoạt động của các cơ quan trong hệ tiêu hóa.
Bác sĩ Khanh cho biết men tiêu hóa được sử dụng nhiều nhất là men tụy, nên dùng men này trong các bữa ăn chính. Khi đó, thức ăn đã được dạ dày nhào trộn, làm mềm và thấm dịch vị tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn nhanh. Nếu men tiêu hóa dạng viên nên uống cả viên, không nhai vì nhai làm vỡ các vi năng, dẫn đến giải phóng men tiêu hóa trong miệng, kích ứng niêm mạc.
Bác sĩ lưu ý không nên dùng men tiêu hóa trong thời gian dài vì có thể gây tác dụng ngược, làm giảm bài tiết các enzym tiêu hóa tự nhiên, khiến cơ thể phụ thuộc vào nguồn enzyme từ bên ngoài. Từ đó, các tuyến tiêu hóa bị ức chế, dẫn đến teo.
Người lớn có thể bổ sung men tiêu hóa thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày như dùng mật ong nguyên chất, sữa chua, xoài, chuối, dứa, bơ... Nếu các triệu chứng như táo bón, khó tiêu, chán ăn, đầy hơi kéo dài, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị dứt điểm.
Mỹ Linh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |