Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Phương án hai đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng BHXH để hưởng mức lương hưu cao.
Góp ý cho dự thảo, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đồng tình phương án hai, song đề xuất sửa khoản tính đóng BHXH bằng ít nhất 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của lao động. Chính phủ sẽ quy định chi tiết khoản này.
Theo đề xuất này, nếu mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử tuất.
Đề xuất nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của lao động.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau thanh tra chuyên ngành đã phát hiện một số đơn vị kê khai "khoản bổ sung kế hoạch" nằm ngoài mức lương tính đóng BHXH. Đây là khoản doanh nghiệp tự thỏa thuận với lao động khi tuyển dụng và không được ghi trong hợp đồng.
Đơn cử có doanh nghiệp qua thư mời làm việc thỏa thuận với lao động tiền lương tháng là 22 triệu đồng. Song hợp đồng chính thức chỉ có khoản lương theo chức danh 4,75 triệu đồng, mức này được dùng tính đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Còn lại 17,25 triệu đồng được trả vào kỳ lương hàng tháng, nhưng không được đóng BHXH. Cơ quan quản lý rất khó thu bởi khoản này chưa nằm trong hướng dẫn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra trong doanh nghiệp luôn tồn tại ba loại thu nhập của người lao động: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động. Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm.
Thống kê năm 2021, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gần 5,7 triệu đồng, tăng 13% so với mức 4,3 triệu vào năm 2016, chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu. Tiền lương đóng BHXH thấp ảnh hưởng trực tiếp đến lương hưu của lao động khi về già. Bởi mức lương hưu của lao động khu vực doanh nghiệp được tính toán dựa trên bình quân tiền đóng BHXH toàn bộ quá trình tham gia.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, luật hiện hành khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác để tính đóng BHXH. Hiện chỉ doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương, phụ cấp rõ ràng. Còn doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng có cách xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau. Có công ty trưng đến 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và hầu như không có khoản nào tính đóng BHXH được.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Ngoài hai phương án tính lương đóng BHXH, dự luật có nhiều điểm mới, như giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần, bổ sung tầng trợ cấp với người không có lương hưu, chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện.
Cả nước hiện có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hồng Chiêu - Võ Hải