Ung thư dạ dày bắt đầu khi các tế bào ung thư hình thành ở lớp lót bên trong bao tử. Những tế bào này có thể phát triển thành khối u, lan dọc theo thành dạ dày hoặc phát triển trực tiếp qua thành dạ dày. Khi vượt ra ngoài dạ dày, ung thư có thể lan sang các cơ quan khác. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người lớn tuổi: Bệnh thường gặp ở người từ cuối 60 đến 80 tuổi, do thói quen ăn uống kém lành mạnh và lão hóa của cơ thể ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa.
Nam giới: Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với phụ nữ. Các nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do hormone nội tiết tố nữ estrogen có thể giúp bảo vệ dạ dày của nữ giới khỏi bị viêm.
Di truyền học, tiền sử gia đình: Mỗi người có khoảng 20.000 đến 25.000 gene. Lỗi trên một số gene, như gene CDH1, APC có liên quan đến ung thư dạ dày. Nếu bạn có cha mẹ, anh chị em hoặc người thân bị ung thư dạ dày thì khả năng mắc bệnh cũng tăng lên. Các vấn đề sức khỏe trong gia đình khác như ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền cũng là yếu rủi ro.
Nhiễm trùng: H. pylori (HP) là loại vi khuẩn thường lây nhiễm vào dạ dày, gây loét và viêm mạn tính gọi là viêm dạ dày. Người bị nhiễm HP có nhiều khả năng ung thư dạ dày cao hơn. Epstein-Barr là loại vi trùng gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (mono) cũng có thể là nguyên nhân.
Nhóm máu A: Người có nhóm máu A bị ung thư dạ dày nhiều hơn người có nhóm máu khác. Nguyên nhân là nhóm máu này dễ bị nhiễm HP hơn.
Vấn đề về dạ dày: Thiếu máu ác tính khiến dạ dày khó hấp thụ đủ vitamin B12, ảnh hưởng đến quá trình tạo ra axit để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến tình trạng gọi là achlorhydria. Người mắc một trong hai tình trạng sức khỏe này có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Ăn uống kém lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm hun khói, thức ăn mặn, ngâm chua hoặc thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Chúng tiềm ẩn chất béo xấu là nguy cơ chính gây ung thư.
Nghiện thuốc lá, rượu bia: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Tỷ lệ mắc tăng lên theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày. Rượu bia có nguy cơ khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn khi đã mắc bệnh.
Polyp dạ dày: Những khối u này trên niêm mạc dạ dày thường vô hại, nhưng một loại polyp nhất định được gọi là u tuyến có thể phát triển thành khối u ác tính.
Tiếp xúc với chất độc hại: Người làm việc ở mỏ than đá, cao su hoặc kim loại cũng thuộc nhóm rủi ro.
Không phải người có một số yếu tố nguy cơ trên đều bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, thay đổi lối sống như ăn nhiều thực phẩm lành mạnh (rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt) và bỏ hút thuốc có thể giúp bảo vệ, phòng tránh bệnh tốt hơn. Thường xuyên tầm soát ung thư nếu tiền sử gia đình có người đã mắc bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bảo Bảo (Theo WebMD)