Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến. Triệu chứng bệnh thường gặp như rối loạn chức năng ruột, đau thắt bụng tái phát nhiều lần, kèm theo cảm giác khó chịu.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết xét nghiệm không tìm thấy các tổn thương ở ruột do hội chứng ruột kích thích gây nên.
Hội chứng này tuy lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh hoặc kích thích bệnh tái phát, khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Thường xuyên căng thẳng: Căng thẳng là nguyên nhân thường thấy ở các bệnh liên quan đến bệnh tiêu hóa bao gồm hội chứng ruột kích thích. Khi căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ thông qua hệ thần kinh thực vật để làm giảm chức năng dạ dày và đường ruột, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố có chức năng cân bằng trao đổi chất, duy trì và phát triển các chức năng quan trọng của cơ thể như chức năng tình dục, sinh sản và trao đổi chất. Do đó, rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa, thay đổi nhu động ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Chế độ dinh dưỡng: Thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng này. Những thực phẩm hỏng hoặc không phù hợp như món ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, cay, rượu, bia, cà phê kích thích dạ dày và ruột già, làm tăng nhu động ruột, gây ra hội chứng ruột kích thích.
Tiền sử gia đình mắc bệnh tiêu hóa: Người có bố, mẹ, anh chị em bị bệnh tiêu hóa dễ mắc bệnh này hơn. Trường hợp này, bạn cần tầm soát và kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
Dựa vào dấu hiệu, hội chứng ruột kích thích được chia thành 4 loại, gồm thể táo bón, thể tiêu chảy, thể hỗn hợp (cả tiêu chảy và táo bón) và thể không xác định.
Triệu chứng đặc trưng là đau bụng tái phát, không ở vị trí nhất định, đau dọc khung đại tràng. Cơn đau tăng khi ăn, nhất là khi dùng thức ăn lạ, để lâu. Cơn đau có thể mơ hồ, không liên tục, đôi lúc đau quặn, đau từng cơn hoặc âm ỉ do rối loạn ruột và tăng nhu động ruột gây ra. Người bệnh còn có thể bị chướng bụng, đầy hơi, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, chuột rút...
Bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh làm thêm một số xét nghiệm phù hợp khác như nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng, xét nghiệm máu, phân, xét nghiệm không dung nạp lactose.
Tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Điều trị hội chứng ruột kích thích tập trung nhiều vào chế độ ăn và dinh dưỡng, kết hợp với uống thuốc điều trị triệu chứng thường gặp phải, thay đổi lối sống khoa học để phục hồi và cải thiện chức năng đại tràng.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |