Nhiễm trùng tiểu mạn tính là tình trạng đường tiết niệu liên tục bị nhiễm trùng, không cải thiện triệu chứng dù đã điều trị hoặc tái phát bệnh. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng tới các cơ quan trong hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo.
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiễm trùng tiểu. Người nhiễm trùng tiểu mạn tính thường có các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu ra máu, nước tiểu sẫm màu, cảm thấy nóng, rát khi đi tiểu, đau thận, đau lưng dưới hoặc dưới xương sườn, đau bàng quang. Trường hợp bệnh lây lan đến thận, bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn, ớn lạnh, sốt cao trên 38 độ C, mệt mỏi...
Nhiễm trùng tiểu là bệnh dễ điều trị nếu chỉ ảnh hưởng tới bàng quang. Nhưng nếu bệnh lý này ảnh hưởng tới thận, người bệnh phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính gây nhiễm trùng tiểu mạn tính là do vi khuẩn E. coli (sống trong ruột của người và động vật) xâm nhập vào hệ tiết niệu qua niệu đạo, sinh sôi, phát triển trong bàng quang. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, vệ sinh vùng kín không đúng cách, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (mụn rộp sinh dục, Chlamydia) là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
Dưới đây là hai đối tượng có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu mạn tính.
Phụ nữ mãn kinh
Viện Quốc gia về tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK) (Mỹ), ước tính cứ 5 phụ nữ trẻ thì có một người bị nhiễm trùng tiểu tái phát. Do cấu tạo đặc trưng của niệu đạo nên nữ giới nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu mạn tính.
Theo đó, niệu đạo phụ nữ gần với trực tràng, vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng di chuyển từ trực tràng tới niệu đạo nếu vệ sinh không đúng cách. Lau, rửa từ sau ra trước là lý do khiến nhiều phụ nữ dễ nhiễm trùng tiểu. Bên cạnh trực tràng, vi khuẩn có thể đến bàng quang gây nhiễm trùng.
Đặc biệt, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh khiến hormone trong cơ thể thay đổi có thể tác động tới vi khuẩn trong âm đạo, làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiểu mạn tính. Trường hợp bị sỏi thận, suy giảm hệ miễn dịch, đang mang thai... cũng dễ nhiễm trùng tiểu. Nếu thường xuyên thụt, rửa âm đạo, dùng một số loại thuốc kháng sinh đường uống khiến thành phần vi khuẩn trong âm đạo thay đổi, phụ nữ khó tránh được nguy cơ mắc bệnh.
Nam giới mắc phì đại tuyến tiền liệt
Đàn ông ít nguy cơ nhiễm trùng tiểu (cấp tính hoặc mạn tính) hơn so với phụ nữ. Lý do phổ biến khiến nam giới nhiễm trùng tiểu mạn tính là tuyến tiền liệt phì đại. Khi tuyến tiền liệt mở rộng, bàng quang không rỗng hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Các chuyên gia nhận định cả nam giới và phụ nữ gặp vấn đề về chức năng cơ bàng quang đều có nguy cơ nhiễm trùng tiểu mạn tính do bàng quang giữ nước tiểu. Chấn thương các dây thần kinh bàng quang hoặc tổn thương tủy sống là nguyên nhân khiến cơ bàng quang không hoạt động bình thường.
Nhằm phát hiện sớm nhiễm trùng tiểu mạn tính, các bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi, tìm vi khuẩn, thực hiện xét nghiệm cấy nước tiểu (kích thích sự phát triển của vi khuẩn trong ống nghiệm). Trường hợp nhiễm trùng tiểu tái phát, bác sĩ có thể nội soi bàng quang để quan sát bên trong niệu đạo. Nếu bác sĩ nghi ngờ tổn thương thận, bác sĩ sẽ chụp X-quang và chụp cắt lớp thận.
Với người được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh liều thấp, có thể kéo dài hơn một tuần sau khi các triệu chứng ban đầu thuyên giảm. Đây là biện pháp ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm trùng tiểu mạn tính tái phát. Phụ nữ mãn kinh nhiễm trùng tiểu mạn tính có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp estrogen âm đạo, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Muốn phòng nhiễm trùng tiểu mạn tính, người bệnh nên đi tiểu thường xuyên, tiểu sau quan hệ tình dục, vệ sinh sạch sẽ vùng kín, uống nhiều nước, mặc đồ lót thoáng mát, tránh mặc quần áo bó sát quá mức, không uống nhiều rượu, bia, cà phê gây kích thích bàng quang.
Minh Thúy (Theo Healthline, Medical News Today)