"Bác sĩ đang cầm dao mổ bị xông vào đấm, đá, tát thì không thể tự bảo vệ được bản thân. Cần xây dựng lực lượng chuyên trách để bảo vệ các y bác sĩ. Luật có thể nêu thêm nội dung về ngân sách để xây dựng lực lượng, thậm chí đề xuất quy trình, máy móc bảo vệ y, bác sĩ", đó là đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhằm tạo cơ chế bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ trước thực trạng hành hung nhân viên y tế diễn ra ngày một nhiều.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Anh tuấn nhận định: "Theo tôi, đây là chủ trương rất đúng đắn, cần triển khai luôn. Có như vậy, nhân viên y tế mới an tâm công tác, đặc biệt là ở khu vực cấp cứu luôn có những thành phần sẵn sàng hành hung bác sĩ bất cứ lúc nào".
Ủng hộ việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ y, bác sĩ, bạn đọc Duy Nguyen nhấn mạnh: "Nhiều người chưa ở phòng cấp cứu bao giờ nên không hiểu những nguy hiểm mà các y, bác sĩ phải đối mặt. Lỡ đang đặt nội khí quản cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch mà có người nhà bệnh nhân khác tấn công bác sĩ chỉ vì không chịu ưu tiên, lúc đó bác sĩ chỉ còn nước bỏ chạy. Rồi lỡ may vì vậy mà bệnh nhân đang thoi thóp kia tử vong thì ai chịu trách nhiệm?".
>> Bác sĩ hỏi ba câu ra đơn thuốc
Tuy nhiên, cho rằng việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ y, bác sĩ là không cần thiết, độc giả Tin phân tích: "Chuyện gây gổ, tấn công người khác xảy ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực chứ không riêng gì ngành Y tế. Như vậy, chẳng lẽ chúng ta cũng cần xây dựng lực lượng bảo vệ cho tất cả các ngành hay sao? Thông thường, bệnh nhân đến bệnh viện rất tôn trọng, nhún nhường y bác sĩ. Những sự việc vừa qua trong ngành Y tế chỉ là cá biệt, nên việc xây dựng lực lượng bảo vệ riêng cho y, bác sĩ, theo tôi là không cần thiết".
Đồng quan điểm, bạn đọc Batigol lo ngại đề xuất trên sẽ gây nhiều lãng phí, bất cập: "Tôi từng nhiều lần đưa người nhà đi cấp cứu, nhưng tôi chưa từng thấy ai chửi bới hay đánh bác sĩ cả. Nếu đang cấp cứu bệnh nhân mà bác sĩ chẳng may bị tấn công thì cứ xử lý người gây rối theo pháp luật. Còn việc phải có thêm cả một lực lượng chuyên trách để bảo vệ bác sĩ thì tôi thấy không cần thiết, đồng thời đi ngược với chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay. Nhiều bệnh viện đang thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp từ các công ty bên ngoài và hoạt động rất tốt, nên cứ duy trì".
"Tôi thấy chưa cần thiết phải xây dựng một lực lượng bảo vệ bác sĩ. Những trường hợp người nhà bệnh nhân tấn công nhân viên y tế trước giờ chỉ là cá biệt và đều được ngăn chặn kịp thời. Tôi cho rằng, chỉ cần cử một nhân viên bảo vệ có thể hình tốt, túc trực trước phòng phòng cấp cứu là được. Hãy để tiền đó tăng lương cho y bác sĩ sẽ thiết thực hơn", độc giả Mustang nói thêm.
Trong khi đó, nêu quan điểm về biện pháp hạn chế tình trạng hành hung bác sĩ, bạn đọc Dương Ngọc An cho rằng vấn đề nằm thái độ của các nhân viên y tế: "Theo tôi, cần xây dựng các hệ thống giải pháp để nâng cao hiệu quả của ngành Y, nhất là y tế công, trong đó nhấn mạnh y đức mới là gốc rễ, là khoa học. Việc đưa ra giải pháp bảo vệ y bác sĩ khi tác nghiệp sẽ khó thực hiện vì đòi hỏi lượng nhân lực và kinh phí, cơ sở vật chất khổng lồ, trong khi đây lại chỉ là cái ngọn. Không thể phòng ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực mà không sử dụng các giải pháp về kinh tế - xã hội và các giá trị tinh thần".
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Chinh Pham Duy: "Tôi cũng đề nghị cần xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân khi vào cấp cứu. Có thể thấy, đa số các trường hợp tấn công y bác sĩ đều là bắt nguồn từ thái độ có phần thờ ơ của nhân viên y tế khi tiếp nhận bệnh nhân. Nếu có quy trình tiếp đón cụ thể, hạn chế tối đa các trường hợp y bác sĩ vô cảm, tôi tin tình trạng tấn công nhân viên y tế sẽ giảm đáng kể".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.