Khi bị bùng phát viêm loét đại tràng, bạn có thể nghĩ do bữa tối nhiều gia vị hoặc uống cà phê vào buổi sáng. Có rất nhiều tác nhân khiến bệnh trở nặng như chế độ ăn uống và lối sống nhưng các đợt bùng phát đôi khi có thể không thể đoán trước. Mặc dù không dễ dàng để ngăn chặn viêm loét đại tràng nhưng người bệnh có thể thực hiện một số cách giảm thiểu triệu chứng và giúp bệnh thuyên giảm nhanh hơn.
Dưới đây là 10 sai lầm phổ biến mà người bị viêm loét đại tràng có thể gặp phải và nên thay đổi để hạn chế bệnh trở nặng.
Không tuân thủ điều trị viêm đại tràng
Richard Bloomfeld - bác sĩ tại Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist (Mỹ) chia sẻ trên tờ Everydayhealth rằng, người bị viêm đại tràng nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bệnh ổn định.
Có nhiều loại thuốc có thể điều trị viêm đại tràng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà người bệnh đang mắc phải. Một số người khi thấy bệnh tiến triển tốt lại không duy trì thăm khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một nghiên cứu ở Canada được công bố vào tháng 1/2013 trên tạp chí Gastroenterology cho thấy, trong số hơn 1.680 bị người bị viêm đại tràng, phần lớn không tuân thủ điều trị sau một năm.
Laura Yun, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và trợ lý giáo sư y khoa tại trường Y khoa Feinberg (Mỹ) cho biết, bỏ thuốc điều trị là lý do thường gặp nhất khiến người bệnh trải qua các cơn bùng phát. Cho dù bác sĩ kê thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch hay kết hợp nhiều loại thuốc thì không loại thuốc nào trong số đó có tác dụng nếu bệnh nhân không dùng chúng theo hướng dẫn.
Căng thẳng
Những người bị viêm đại tràng thường cho biết họ từng bị căng thẳng trước khi bùng phát bệnh. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2019 trên Tạp chí Crohn's and Colitis đã theo dõi 417 người bị bệnh viêm ruột bao gồm cả viêm đại tràng và phát hiện ra người bị căng thẳng trong ba tháng trước đó thường có liên quan đến bệnh bùng phát.
Theo một đánh giá được công bố vào tháng 12/2015 trên tạp chí International Journal of Clinical and Experimental Medicine, căng thẳng cũng có thể kích hoạt hoặc làm tăng tình trạng viêm trong ruột, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm đại tràng. Thêm vào đó, căng thẳng có thể cản trở thói quen hàng ngày, dẫn đến thói quen ăn uống, ngủ nghỉ và uống thuốc bị ảnh hưởng, xáo trộn.
Một số bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân viêm đại tràng các kỹ thuật như thiền, yoga để giúp kiểm soát căng thẳng.
Ăn thực phẩm gây kích thích
Bác sĩ Yun giải thích, không có thực phẩm nào gây ra hoặc chữa khỏi bệnh viêm loét đại tràng. Nhưng nhiều người bệnh cho biết, một số loại thực phẩm nhất định có thể gây ra các triệu chứng hoặc làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn.
Trong thời gian bùng phát, bác sĩ có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ăn uống của bệnh nhân. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm gây ra các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy hoặc chuột rút. Ví dụ, các sản phẩm từ sữa có thể gây khó chịu cho những người không dung nạp được lactose.
Ngoài sữa, các loại thực phẩm kích thích thường gặp bao gồm đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, một số loại trái cây và rau sống, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm có đường và rượu. Bạn nên biết thực phẩm nào khiến bản thân khó chịu để tránh.
Không ăn uống đủ nước
Nếu đang bị tiêu chảy, bạn sẽ có nguy cơ bị mất nước. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và cản trở khả năng chữa lành viêm loét đại tràng. Người bị viêm loét đại tràng nên uống nhiều nước. Một số thức uống bạn nên hạn chế nếu bị tiêu chảy như nước ép lê, đào hoặc mận khô vì có hứa chứa đường không hấp thụ gây khó chịu cho đường ruột.
Uống rượu, cà phê
Theo bác sĩ Yun, cà phê, trà và nước ngọt có thể làm cho viêm đại tràng trầm trọng hơn bởi vì chứa chất kích thích. Tương tự, những người có các triệu chứng viêm đại tràng nên cân nhắc bỏ thức uống có cồn và caffein như bia, rượu.
Dùng thuốc uống có gas
Khi bạn đang bị viêm loét đại tràng, nước ngọt và đồ uống có gas có thể cảm thấy khó chịu. Bởi vì nhiều loại đồ uống này có chứa caffeine, đường và cả hai đều có thể góp phần gây tiêu chảy.
Ăn quá nhiều bữa
Khi có các triệu chứng viêm loét đại tràng, người bệnh có thể giảm bớt gánh nặng cho cơ thể bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ hơn. Cân nhắc ăn 5-6 bữa sau mỗi 3-4 tiếng thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày. Ngoài việc giảm bớt khó chịu do các triệu chứng viêm loét đại tràng, cách này còn giúp đối phó với chứng buồn nôn hoặc chán ăn kèm theo.

Ăn quá no trong một bữa không tốt cho người viêm đại tràng.
Không điều chỉnh thuốc
Thuốc kháng sinh cho bệnh nhiễm trùng bên ngoài đường ruột có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm loét đại tràng. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng liên quan đến viêm loét đại tràng. Bạn nên cho bác sĩ biết nếu bị tiêu chảy sau khi bắt đầu dùng kháng sinh vì có thể cần phải thay đổi loại thuốc. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc men vi sinh giúp giảm tiêu chảy.
Không có kế hoạch điều trị phù hợp
Các kế hoạch điều trị viêm loét đại tràng thường dựa trên mức độ và của các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải và khả năng đáp ứng với thuốc. Nếu thuốc đang dùng không hiệu quả, bạn cần chuyển sang các loại thuốc mạnh hơn.
Thường xuyên bị viêm đại tràng, phải nhập viện hoặc cần kê đơn corticosteroid ngắn hạn là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể phải điều chỉnh kế hoạch điều trị. Nếu bạn thấy bệnh không được kiểm soát tốt thì nên chia sẻ với bác sĩ.
Ngọc An (Theo WebMD)