Cholesterol là chất béo dạng sáp, tích tụ quá nhiều trong máu có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim hoặc đột quỵ.
Có hai loại cholesterol là LDL (loại xấu) và HDL (loại tốt). Một số yếu tố có thể làm tăng LDL hoặc giảm HDL cholesterol, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.
Chế độ ăn
Thực phẩm là nguyên nhân phổ biến làm biến động chỉ số cholesterol. Phần lớn lượng cholesterol cơ thể nhận được từ chế độ ăn uống đến từ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, như thịt đỏ, sữa nguyên chất béo, thịt chế biến sẵn... Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, lượng chất béo bão hòa từ chế độ ăn uống không nên vượt quá 5-6% tổng lượng calo trong ngày.
Chất béo chuyển hóa cũng không tốt cho tim vì nó vừa làm tăng LDL vừa làm giảm cholesterol HDL. Đây là loại chất béo tồn tại dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Để tồn tại ở thể rắn, chúng được bổ sung thêm hydro, có nhiều trong món ăn như đồ nướng, thức ăn nhanh, bánh ngọt, bánh quy giòn, bơ thực vật.
Thừa cân
Cholesterol cao có thể xảy ra ở nhiều người nhưng thường gặp hơn ở người thừa cân. Chất béo tăng lên khiến cơ thể thay đổi cách tạo ra và loại bỏ cholesterol. Cân nặng thừa cũng làm chậm quá trình loại bỏ chất sáp này khỏi cơ thể.
Thiếu vận động
Các bài thể dục nhịp điệu giúp tăng cholesterol HDL độc lập với thay đổi chế độ ăn uống. Tập thể dục kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và giảm cân hữu ích trong việc giảm mức LDL.
Đi bộ hoặc đạp xe hàng ngày tốt cho sức khỏe tổng thể lẫn mức cholesterol. Lười vận động có thể dẫn đến tăng cân, ảnh hưởng đến mỡ máu.
Hút thuốc
Các hóa chất trong khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và khiến cholesterol LDL dễ bám vào. Hút thuốc cũng giảm mức cholesterol HDL, thu hẹp các mạch máu, làm đặc máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu khắp cơ thể.
Bệnh mạn tính
Một số bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, lupus, vẩy nến, viêm ruột, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus gây viêm quá mức trong cơ thể. Ở mức độ bình thường, viêm là phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch đối với chấn thương hoặc bệnh tật. Trong thời gian ngắn, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khi viêm diễn ra lâu dài làm giảm cholesterol HDL và tăng LDL.
Bệnh tiểu đường type 2 cũng làm giảm cholesterol tốt và tăng loại xấu. Nó cũng làm tăng mức lipoprotein mật độ rất thấp, còn gọi là chất béo trung tính, ảnh hưởng đến các mô của cơ thể.
Căng thẳng
Ở trạng thái căng thẳng, cơ thể tiết ra hormone cortisol có thể làm tăng mức cholesterol. Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol theo nhiều cách khác. Một số người tìm đến đồ ăn kém lành mạnh, hút thuốc hoặc lười tập thể dục để giải quyết căng thẳng, khiến tổng lượng cholesterol trong cơ thể cao hơn.
Gene
Mức cholesterol LDL cao ở một số người do mang gene đặc trưng. Tăng cholesterol máu gia đình có tính di truyền. FH khiến cơ thể khó loại bỏ cholesterol LDL ra khỏi máu hơn. Người có tiền sử gia đình cholesterol cao nên kiểm tra định kỳ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.
Tuổi tác và giới tính
Khi già đi, cơ thể giảm khả năng loại bỏ cholesterol khỏi máu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên khi cao tuổi. Phụ nữ có xu hướng có cholesterol LDL thấp hơn và cholesterol HDL cao hơn nam giới khi còn trẻ. Sau mãn kinh, mức LDL dần tăng lên.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |