Trong hành trình cùng con lớn khôn, cha mẹ thường quan tâm đến việc liệu con mình có thông minh, bản thân có thể làm gì để giúp trí tuệ bé phát triển... Những năm đầu đời là thời điểm tốt để bé phát triển trí tuệ. Dưới đây là một số lời khuyên thiết thực nhằm giúp nuôi dạy trẻ thông minh.
Giao tiếp cùng trẻ
Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng cần thiết trong việc nâng cao trí thông minh của một đứa trẻ. Kỹ năng cho phép bé gắn kết với mọi người, phát triển lòng tự trọng, sự tự tin. Cha mẹ khuyến khích bé cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng cách tham gia vào các hoạt động. Phụ huynh nên nói chuyện với bé về những điều đang làm, một ngày diễn ra như thế nào... Người lớn cũng nên dạy trẻ về ngôn ngữ hình thể và sử dụng chúng trong các cuộc trò chuyện.
Chế độ ăn bổ dưỡng
Khi bé bắt đầu ăn dặm mẹ hãy đảm bảo cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để giúp phát triển nhận thức. Các loại thực phẩm như trứng, rau lá xanh, trái cây, quả hạch và hạt là nguồn dồi dào vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh toàn diện.
Khuyến khích bé khám phá
Cha mẹ cho con tiếp xúc với những môi trường mới lạ, khuyến khích trẻ khám phá những không gian mới. Một chuyến đi đến siêu thị cũng có thể kích thích thị giác đối với một đứa trẻ. Người lớn khuyến khích trẻ kể lại những gì chúng nhìn thấy, điều mới bắt gặp. Phụ huynh cho bé nhiều trải nghiệm sẽ học hỏi được nhiều điều.
Cho bé làm quen với chữ cái, số sớm
Gia đình không đợi con bắt đầu đi học mới dạy về số và chữ cái. Phụ huynh cho trẻ bắt đầu đếm ở nhà trong các buổi chơi, chỉ ra các chữ cái trên bảng, biển chỉ dẫn. Con tiếp xúc nhiều với chữ viết sớm sẽ thuận lợi khi đi học.
Bé làm quen với đồ chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi
Trên thị trường có rất nhiều đồ chơi cho trẻ sơ sinh nhưng không phải tất cả đều phù hợp với khả năng trí tuệ của mọi em bé. Vì vậy, trước khi chọn đồ chơi, cha mẹ hãy phân tích xem nó có phù hợp với khả năng của trẻ hay không. Đồ chơi phù hợp sẽ khiến trẻ tò mò, kích thích chúng khám phá, là công cụ giáo dục.
Cùng đọc sách
Sách là một công cụ để kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy. Cha mẹ nên đọc cho bé nghe mỗi ngày. Phụ huynh chọn những cuốn sách có màu sắc tươi sáng, hình ảnh đơn giản sẽ thu hút sự quan tâm của trẻ. Bé làm quen với các chữ cái và hình ảnh sớm sẽ có xu hướng thích đọc khi lớn lên.
Tạo cơ hội giao lưu với những đứa trẻ khác
Các tương tác xã hội mang lại những trải nghiệm kích thích, chuẩn bị cho con đối mặt với những thử thách khi lớn lên. Cha mẹ nên sắp xếp ngày cho bé chơi với những đứa trẻ cùng tuổi hoặc đưa con đến công viên chơi. Khi giám sát các tương tác của bé trong giai đoạn này, người lớn có thể hướng dẫn, hỗ trợ con kết bạn tốt. Khi học những bài học quý giá về cách tương tác với người khác, trẻ cũng sẽ được trang bị kiến thức để xử lý các tình huống khó khi lớn hơn.
Khuyến khích trẻ tò mò
Trẻ em có bản chất tò mò, khi được kích thích tò mò có thể giúp bé học hỏi nhiều hơn. Cha mẹ kích thích sự quan tâm của con bằng cách cung cấp cho bé nhiều cơ hội để khám phá những điều mới. Người lớn nên tán dương khi bé chinh phục những thử thách khó. Phụ huynh nên cho trẻ chơi những đồ chơi thân thiện, kích thích trí tưởng tượng của chúng phát triển từ những hoạt động hàng ngày.
Giảm thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Dù có rất nhiều chương trình giải trí, giáo dục dành cho trẻ nhỏ nhưng cha mẹ hãy thận trọng khi cho bé xem. Gia đình giới hạn thời gian trên màn hình thiết bị điện tử, tập trung vào các hoạt động thực hành. Người lớn nên tránh để con chơi với máy tính bảng và điện thoại di động vì có thể gây hại cho mắt. Tiếp xúc với tivi quá nhiều cũng sẽ dẫn đến lối sống ít vận động, các vấn đề về thị lực và giảm khả năng tư duy.
Lê Nguyễn (Theo FirstCry Parenting)