Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra các biến chứng như khó sinh do em bé quá to, sẩy thai, tiền sản giật (huyết áp cao liên quan đến thai kỳ), sinh non, thai chết lưu, em bé dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài cho mẹ...
Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Để giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường thai kỳ, bạn cần theo dõi chặt chẽ đường huyết lúc đói và sau ăn. Mức đường huyết ổn định và an toàn cho mẹ bầu mắc tiểu đường là dưới 95 mg/dL lúc đói, dưới 120 mg/dL sau ăn hai giờ và dưới 130 mg/dL sau ăn một giờ. Các thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách kiểm tra lượng đường trong máu, cách điều chỉnh chế độ ăn uống đối với bệnh tiểu đường thai kỳ và mức độ hoạt động để đạt mục tiêu đường huyết an toàn.
Chế độ ăn lành mạnh
Thực phẩm và thói quen sinh hoạt giúp ổn định lượng đường trong máu là một phương pháp giúp điều trị tiểu đường thai kỳ, giảm các biến chứng. Phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, protein nạc, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất. Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về bệnh tiểu đường thai kỳ để có chế độ ăn phù hợp khi mang thai mà không làm tăng đường huyết. Bổ sung thêm vitamin có chứa axit folic trước khi sinh để ngăn ngừa dị tật thần kinh (ví dụ tật nứt đốt sống). Mẹ bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin hoặc bất cứ chất gì.
Ăn đủ carbohydrate mỗi ngày
Carbohydrate (carb) là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống dành cho bệnh tiểu đường thai kỳ. Carb là nhiên liệu cho cơ thể và cho em bé lớn lên. Người bình thường cần 135 g carb mỗi ngày, nhưng nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, lượng carb tăng lên 175 g mỗi ngày. Thai kỳ có thể khiến phụ nữ khó kiểm soát đường huyết vào buổi sáng, vì vậy bạn có thể ăn nhiều carb hơn vào bữa trưa và bữa tối để tránh tăng đột biến đường huyết.
Tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây (còn vỏ), rau và các sản phẩm từ sữa cung cấp cho bạn lượng carb cần thiết. Thực phẩm giàu chất xơ hoặc ít đường giúp giữ cho đường huyết ổn định hơn và cảm thấy no lâu hơn.
Không ăn uống đồ ngọt
Người mắc tiểu đường thai kỳ cần loại bỏ nước trái cây, nước ngọt và bất kỳ đồ uống hay thức ăn có hàm lượng đường cao khỏi kế hoạch ăn uống. Đồ uống và thức ăn ngọt làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng có thể dẫn đến các biến chứng. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất, ngoài ra bạn có thể uống sữa ít béo để tăng thêm dinh dưỡng cho thai nhi.
Uống thuốc theo chỉ định
Một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ phải dùng thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên để an toàn cho em bé, các mẹ cần uống thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc hoặc uống thuốc không theo liều lượng trong đơn.
Insulin là một lựa chọn điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ. Theo nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada), cứ 3 phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ thì có 1 người cần insulin điều trị bệnh này, nhưng nhiều phụ nữ lại lo lắng về sự an toàn của insulin khi mang thai. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, loại insulin tác dụng kéo dài an toàn trong thời kỳ mang thai.
Ngủ nhiều hơn
Theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ), mẹ bầu ngủ không đủ giấc có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Chất lượng giấc ngủ kém hoặc thiếu ngủ cũng khiến việc kiểm soát đường huyết kém hiệu quả. Do đó khi mang thai hoặc mắc tiểu đường thai kỳ, các mẹ nên ngủ nhiều hơn và chăm sóc giấc ngủ để ngủ ngon hơn. Điều này giảm nguy cơ mắc tiểu đường và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tập thể dục
Hoạt động thể chất thường xuyên phù hợp thường được khuyến nghị trong thời kỳ mang thai, ngay cả khi không mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, hãy vận động và tập thể dục nhiều hơn. Tập luyện có lợi cho sức khỏe tổng thể và có thể cải thiện quá trình chuyển hóa glucose, kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện bệnh tiểu đường.
Khi mang thai, bạn nên chọn các bài tập không gây nguy hiểm và nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục nhịp điệu, yoga...; tránh các hoạt động mạnh, va chạm ảnh hưởng đến em bé hoặc có thể gây té ngã.
Cho con bú dài hơn
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn kéo dài (ít nhất trong 6 tháng đầu) giúp phụ nữ có thể kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Việc cho con bú thời gian dài hơn cũng giúp em bé có sức khỏe và phát triển tốt hơn so với trẻ bú sữa mẹ ít thời gian hoặc không hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Khám sàng lọc bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu của Đại học Sản phụ khoa Mỹ, phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường sau này lên gấp 7 lần. Nếu bạn đã mắc tiểu đường thai kỳ nên kiểm tra bệnh tiểu đường từ 6-12 tuần sau sinh và khám sàng lọc 3 năm một lần. Ngoài ra, trước lần mang thai tiếp theo phụ nữ nên kiểm tra nếu đã mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước để có biện pháp hạn chế những rủi ro.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)