ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết người bệnh tim mạch nên chọn trái cây giàu chất xơ, vitamin C, E, B, khoáng chất như kali, magie, canxi và các hợp chất polyphenol, carotenoid. Chúng hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh tim mạch, giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Đu đủ cung cấp vitamin E, C, K, folate, kali và magie, hỗ trợ cơ thể chống viêm, chống oxy hóa, góp phần giảm căng thẳng, kiểm soát nhịp tim và nồng độ cholesterol trong máu. Ăn đu đủ có thể phòng ngừa suy tim, hạ huyết áp, ung thư.
Trái cây có múi như cam, quýt, bưởi giàu chất xơ, vitamin C và các chất chống oxy hóa, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, có khả năng chữa lành vết thương, hạ huyết áp, giảm nồng độ cholesterol trong máu, cải thiện chất lượng mạch máu. Người bệnh bổ sung trái cây có múi vào chế độ dinh dưỡng góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch, hạn chế nguy cơ biến chứng tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Dưa hấu tốt cho tim mạch vì hàm lượng cao chất xơ, vitamin A, C, magiê và chất lycopene - có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Người bệnh tim mạch ăn dưa hấu có thể tăng cường bảo vệ mạch máu, cải thiện lưu thông máu, hạn chế nguy cơ hẹp, tắc, vỡ mạch máu.
Chuối chín cung cấp 320-400 mg kali mỗi trái, tương đương khoảng 10% nhu cầu kali hàng ngày ở người trưởng thành. Ăn chuối giúp người bệnh tim mạch hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, hỗ trợ điều hòa nhịp tim, góp phần ngăn ngừa biến chứng do thiếu hụt kali như rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh xoắn đỉnh hoặc đột ngột ngừng tim.
Bơ dồi dào omega 3, 6, 9, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, hỗ trợ giảm nồng độ triglyceride, tăng cholesterol tốt (HDL) có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông và các mảng bám trên thành của mạch máu. Trái bơ còn chứa nhiều vitamin B6 và B9 (folate), tốt cho sức khỏe tim mạch.
Táo chứa hàm lượng kali tương đối cao, giúp hạ huyết áp và điều hòa nhịp tim. Pectin là loại chất xơ hòa tan được tìm thấy trong vỏ táo, có khả năng chống viêm, chống các gốc tự do, cải thiện sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa.
Dâu tây giàu các chất chống oxy hóa như anthocyanin, catechin, quercetin, kaempferol. Chúng ức chế sự hình thành cholesterol xấu, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, suy tim và mạch máu ngoại biên.
Nho đỏ có hàm lượng cao các chất chống oxy hóa thuộc nhóm polyphenol, giúp hạ huyết áp, nồng độ đường trong máu, phòng ngừa các bệnh tim mạch hoặc biến chứng do bệnh tim mạch gây ra. Nho đỏ còn cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, K và kali, góp phần ổn định nhịp tim, loại bỏ mảng bám tích tụ trong mạch máu.
Người bệnh nên ăn trực tiếp trái cây tươi, không ép lấy nước uống, không thêm đường. Mục đích để không tăng nhanh đường huyết đột ngột, có thể ảnh hưởng bất lợi đến bệnh tim mạch. Ăn trái cây tươi còn giúp cơ thể hấp thụ tối đa chất xơ, dinh dưỡng và hạn chế nguy cơ tăng cân.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến cáo người bệnh tim mạch nên tái khám đúng hẹn và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân hoặc béo phì có thể khiến bệnh tăng nặng. Duy trì lối sống, làm việc, tập luyện, ngủ nghỉ khoa học, vừa sức. Không uống rượu bia, tránh xa khói thuốc lá. Người bệnh nên đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện sức khỏe.
Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch. Các tinh chất từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ tăng cường lưu thông máu lên não.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |