Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết dinh dưỡng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Người mắc bệnh trầm cảm nên hạn chế hoặc tránh dùng một số thực phẩm sau đây.
Các loại soda: Soda giúp cơ thể tỉnh táo, hồi phục nhanh nhưng không chứa chất xơ hòa tan. Nó khiến cơ thể mau đói, dễ nôn nao, đường huyết tăng và hạ nhanh. Tình trạng chuyển hóa đường này không tốt cho người bệnh trầm cảm. Các loại chất tạo ngọt như aspartame (thường có trong các loại thức uống soda không đường, nước sốt sẵn như sốt cà chua...) cũng liên quan đến chứng bệnh lo âu và trầm cảm.
Cà phê, ca cao: Caffein trong cà phê, ca cao ảnh hưởng đến điều chỉnh giấc ngủ. Caffein có thể gây mất ngủ, ngủ không sâu, từ đó, ảnh hưởng đến bệnh lo âu, trầm cảm.
Các loại nước tăng lực: Đây là thức uống có nhiều hàm lượng caffein và chất tạo ngọt. Hai thành phần này tác động đến nhịp tim và giấc ngủ, không có lợi cho bệnh lo âu, trầm cảm.
Bia, rượu: Hàm lượng cồn trong bia rượu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Chúng khiến bạn khó ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ kém. Cơ thể nghỉ ngơi không đủ ảnh hưởng đến các triệu chứng của chứng lo âu, trầm cảm.
Bánh mì trắng: Thực phẩm này có chỉ số đường huyết (GI) cao. Khi người bệnh ăn bánh mì trắng, đường huyết chuyển hóa đột ngột, khó kiểm soát, gây bất lợi cho bệnh trầm cảm. Người bệnh trầm cảm nên sử dụng bánh mì đen nguyên cám, nhiều chất xơ để no lâu, giảm tình trạng nôn nao, đói nhanh do chuyển hóa đường.
Các loại bánh kẹo ngọt: Nhóm thực phẩm này chứa nhiều đường đơn, đường đôi - loại đường nhanh, có chỉ số đường huyết cao. Tiêu thụ quá nhiều bánh kẹo ngọt ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose máu. Một số loại bánh ngọt như donut được chiên rán nhiều, chứa chất béo xấu, không tốt cho chứng lo âu, trầm cảm.
Thực phẩm có chứa gluten: Người bệnh trầm cảm nhạy cảm với gluten nên hạn chế các loại thực phẩm chứa bánh mì, bột mì, bánh ngọt.
Thực phẩm chế biến sẵn: Nhóm thực phẩm này chứa nhiều muối, đường đơn giản, các chất béo không tốt cho sức khỏe. Thực phẩm chế biến sẵn ít chất xơ, không có lợi cho người bệnh trầm cảm.
Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm người bệnh trầm cảm nên hạn chế nước ép trái cây vì chúng không cung cấp nhiều chất xơ. Uống nước ép làm cơ thể nhanh đói, nôn nao, khó chịu, bất lợi cho bệnh trầm cảm. Người bệnh nên ăn trái cây dạng thô còn nguyên múi, miếng, quả, thay vì ép lấy nước.
Người bệnh trầm cảm cần đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, có thể dùng thuốc kết hợp các biện pháp không dùng thuốc. Một số kỹ thuật hiện đại như máy kích thích từ trường xuyên sọ dùng sóng điện từ tác động vào vùng não tương ứng, làm thay đổi chức năng của vùng não đó cũng mang lại hiệu quả trong điều trị trầm cảm.
Kim Thư