Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng các van tĩnh mạch bị hỏng, khiến máu ứ đọng ở chân thay vì chảy ngược về tim. BS.CKI Bùi Trọng Đạt, khoa Ngoại Tim mạch, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết 8 nhóm người dưới đây dễ mắc bệnh lý này.
Trên 40 tuổi
Theo thời gian tĩnh mạch càng kém đàn hồi và yếu đi gây suy giãn tĩnh mạch. Đây là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và không thể ngăn ngừa. Người trên 40 tuổi duy trì lối sống lành mạnh có thể làm chậm quá trình này.
Có tiền sử gia đình mắc bệnh
Nguy cơ bị suy tĩnh mạch của bạn tăng lên nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh này. Theo bác sĩ Đạt, đa số trường hợp bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch ở tuổi 20, 30 là do di truyền.
Thừa cân, béo phì
Người có chỉ số BMI (được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao) lớn hơn hoặc bằng 23 là thừa cân, từ 25 trở lên là béo phì. Những người này bị rối loạn phân bố mỡ, thường béo bụng, kèm theo trọng lượng cơ thể lớn làm tăng áp lực cho chi dưới, nhất là khi đứng, khiến máu tĩnh mạch trở về tim khó khăn hơn. Các tĩnh mạch giãn lớn, ngoằn ngoèo, gây ra triệu chứng chân sưng phù, chuột rút, tê bì, giai đoạn tiến triển có thể loét, hoại tử, huyết khối.
Đứng một chỗ quá lâu
Người làm công việc thường xuyên phải đứng trong thời gian dài như tiếp viên hàng không, nhân viên bán hàng, giáo viên... có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông máu trong tĩnh mạch. Khi đứng thẳng quá lâu, trọng lực đổ dồn về chân, khiến tĩnh mạch phải hoạt động hết công suất để cố gắng đưa máu trở lại tim. Nếu không đi bộ sau 1-2 giờ đứng, nguy cơ bị ứ máu ở chân và bàn chân gây ra chứng giãn tĩnh mạch lớn.

Bác sĩ khám, đánh giá mức độ suy tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Hạ Vũ
Làm công việc phải ngồi nhiều
Nhân viên văn phòng, tài xế... phải ngồi nhiều giờ trong ngày, gây cản trở tuần hoàn máu, nhất là ở chi dưới. Ngồi mà không có sự vận động xen kẽ sẽ ngăn cản các cơ giúp máu di chuyển ngược với trọng lực, lâu ngày khiến máu ứ trệ ở chi dưới gây ra bệnh suy tĩnh mạch.
Có tiền sử bị cục máu đông
Người từng bị cục máu đông trong tĩnh mạch có thể bị tổn thương và khiến tĩnh mạch yếu hơn, dẫn đến giãn tĩnh mạch. Tĩnh mạch bị tổn thương do chấn thương (tai nạn giao thông, té ngã...) cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phụ nữ mang thai
Trong thời gian mang thai, thể tích máu và áp lực ở các chi dưới tăng lên, khiến máu khó lưu thông trở lại tim hơn. Tình trạng này có thể phát triển chứng giãn tĩnh mạch hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn. Thông thường sau sinh, bệnh tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu sau ba tháng mà suy tĩnh mạch không cải thiện, phụ nữ cần đi khám để bác sĩ điều trị phù hợp.
Phụ nữ dùng thuốc hormone
Thay đổi hormone trong thai kỳ, thời kỳ kinh nguyệt, giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh... là tác nhân làm suy yếu thành tĩnh mạch và van, khiến máu dễ ứ đọng ở chân. Phụ nữ dùng các loại thuốc dễ dẫn tới thay đổi nội tiết trong cơ thể như thuốc tránh thai, thuốc trị mụn... cũng có nguy cơ giãn thành mạch máu gây suy tĩnh mạch cao.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Đạt khuyến cáo mỗi người nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, hạn chế mang giày cao gót. Người có yếu tố nguy cơ nên khám tầm soát bệnh sớm. Tùy thuộc giai đoạn và triệu chứng bệnh, bác sĩ lựa chọn một trong các biện pháp điều trị nội khoa, thay đổi lối sống, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học... để xử lý triệt để, ngăn ngừa biến chứng.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |