Vị mặn xuất hiện trong miệng dù bạn đang không ăn thức ăn, có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe cần lưu ý. Tiến sĩ khoa tai mũi họng Michael Medina, công tác tại Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ) cho biết, một số nguyên nhân phổ biến sau thường gây mặn miệng, cần thăm khám và khắc phục.
Khô miệng
Khô miệng xảy ra khi các tuyến nước bọt không tạo đủ nước bọt, khiến thay đổi vị giác (như nhận thấy các vị mặn và vị kim loại). Người bị khô miệng cũng có thể gặp phải triệu chứng khác như hơi thở có mùi và đau họng dai dẳng. Bệnh lý này thường có xu hướng mắc nhiều ở người cao tuổi do lão hóa. Tiến sĩ Medina khuyến nghị, bạn có thể dùng sản phẩm không kê đơn như viên ngậm, nước súc miệng... sẽ giúp cải thiện đường họng hơn. Nếu tình trạng không khỏi, bạn nên cân nhắc thăm khám răng.
Chảy nước mũi sau
Dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang lâu dài có thể là tác nhân gây chảy nước mũi liên tục xuống cổ họng. Chảy nước mũi sau gây ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác, làm cho bạn cảm nhận vị mặn hoặc nhạt trong miệng. Người bị chảy dịch mũi sau hay cảm thấy muốn hắng giọng hoặc ho.
Cơ thể đang mất nước
Nước bọt có chứa một lượng nhỏ muối. Khi cơ thể đang thiếu nước, lượng muối trong nước bọt sẽ cô đặc hơn bình thường. Tiến sĩ Medina cho biết, việc cơ thể mất nước có thể gây thay đổi chất lượng nước bọt, kích thích vị giác gây mặn miệng hơn. Do đó, bạn nên uống đủ nước. Người có triệu chứng bệnh tim hoặc thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng nước cần nạp để tránh bị thừa nước do có thể ảnh hưởng quá trình điều trị.
Mang thai
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến đường mũi bị viêm. Triệu chứng này là viêm mũi khi mang thai, thường gây chảy nước mũi, chảy dịch mũi khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mặn trong miệng. Thông thường, viêm mũi khi mang thai sẽ tự khỏi vài tuần sau khi thai kỳ kết thúc. Trong thai kỳ, mẹ bầu có thể dùng nước muối sinh lý giúp giảm triệu chứng tai mũi họng hoặc trò chuyện với bác sĩ để có giải pháp phù hợp.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Tiến sĩ Medina cho biết, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra vị mặn hoặc chua trong miệng sau khi bị ợ chua, ho mạn tính hoặc cổ họng bị nghẽn. Người bệnh có thể dùng thuốc giúp điều hòa axit trong đường tiêu hóa hoặc thăm khám để sớm được điều trị và phục hồi thể trạng.
Bệnh tự miễn dịch
Tình trạng tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công cả các mô khỏe (như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp) gây nguy cơ cao mắc hội chứng Sjogren. Hội chứng gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt dẫn đến khô miệng và thay đổi vị giác. Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ để có giải pháp điều trị khi gặp phải triệu chứng.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số thành phần của thuốc có thể gây tác dụng phụ làm thay đổi vị giác, dẫn đến cảm nhận vị mặn hoặc vị kim loại trong miệng. Nếu đang dùng thuốc kê toa và nhận thấy tình trạng khô miệng, bạn nên nói chuyện với các bác sĩ về vấn đề này. Bác sĩ sẽ gợi ý thay đổi thuốc hoặc hướng dẫn thêm các biện pháp khắc phục phù hợp tại nhà (như dùng viên ngậm cải thiện khô miệng).
Một số thuốc có thể gây khô miệng, cảm nhận vị mặn gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc điều trị các triệu chứng dị ứng, thuốc điều trị ung thư, thuốc lợi tiểu. Một số thuốc giảm đau, an thần cũng có thể gây tác dụng phụ cho vị giác.
Rối loạn thần kinh
Tuy hiếm khi xảy ra, bất thường kéo dài ở vị giác gồm cảm nhận vị mặn hoặc các vị khác, cũng có thể là tín hiệu vị giác ở vùng não đang hoạt động bất thường. Tiến sĩ Medina giải thích, do não chứa các dây thần kinh kết nối với vị giác. Chấn thương não hoặc khối u xảy ra có thể gây cản trở vị giác.
Vị mặn trong miệng thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước hoặc khô miệng. Bạn nên thăm khám nếu thường ăn mặn và gặp phải các vấn đề sức khỏe như thay đổi giọng nói hoặc khàn giọng, cảm nhận thấy cổ có khối u, sưng tuyến nước bọt trước tai hoặc dưới hàm, bị khó nhai hoặc khó nuốt. Người bệnh tiểu đường, mắc bệnh tim, bệnh thận hoặc có bệnh lý tự miễn dịch khi bị mặn miệng cũng cần trao đổi với các bác sĩ.
Mai Trinh
(Theo Cleveland Clinic)