Ngứa mũi xảy ra do mũi bị viêm hoặc kích ứng. Ngứa mũi thường liên quan đến phản ứng miễn dịch, hoạt động giải phóng các protein và hợp chất của hệ thống miễn dịch, bao gồm cả histamine. Để có biện pháp khắc phục ngứa mũi, người bệnh cần xác định nguyên nhân tiềm ẩn. Dưới đây là những nguyên nhân gây ngứa mũi phổ biến.
Viêm mũi dị ứng theo mùa: Viêm mũi dị ứng theo mùa xảy ra do các tác nhân như dị ứng phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, chất gây dị ứng khác. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 20-30% người lớn, một số trường hợp trẻ em cũng có thể bị viêm mũi dị ứng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng theo mùa bao gồm viêm ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ho và thở khò khè.
Viêm mũi dị ứng lâu năm: Viêm mũi dị ứng lâu năm giống với viêm mũi dị ứng theo mùa, gây ra các triệu chứng giống nhau và hướng điều trị tương tự, nhưng các triệu chứng của viêm mũi dị ứng lâu năm xuất hiện quanh năm. Tình trạng này xảy ra do dị ứng với lông thú cưng, mạt bụi, con gián hoặc nấm mốc, phấn hoa.
Chất kích ứng môi trường: Các chất gây kích ứng môi trường có thể là khói thuốc lá, hóa chất công nghiệp hoặc không khí khô. Khi hít phải các chất này, bạn thường bị hắt xì liên tục, chảy nước mắt, ngứa mũi.
Tiếp xúc với nấm: Viêm xoang dị ứng do nấm là tình trạng bệnh có liên quan mật thiết với viêm mũi dị ứng và polyp mũi. Những người bị tình trạng này, niêm mạc mũi (lớp lót) sẽ bị viêm khi tiếp xúc với nấm gây ngứa mũi. Phản ứng dị ứng này cũng gây ra chất nhầy đặc và dính, có thể làm tắc nghẽn đường đi của xoang, dẫn đến nhiễm trùng xoang do nấm.
Dị ứng thực phẩm: Những người bị dị ứng với thực phẩm thường có cảm giác ngứa miệng, ngứa mũi, mắt trong vài phút sau khi ăn phải thức ăn gây dị ứng.
Viêm xoang và Polyp mũi: Viêm xoang là một thuật ngữ chỉ tình trạng viêm các xoang, xảy ra do nhiễm trùng, chất gây dị ứng. Polyp mũi là khối u lành tính (không phải ung thư) xảy ra bên trong đường mũi và xoang. Polyp mũi thường xảy ra khi mũi bị viêm mạn tính, khối u này có thể ngăn cản sự dẫn lưu thích hợp của xoang, góp phần gây ra viêm xoang. Nhiều người bị viêm xoang, polyp mũi cũng bị viêm mũi dị ứng.
Virus: Virus gây chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và các triệu chứng mũi khác cũng có thể gây viêm và ngứa mũi.
Đau nửa đầu: Nhiều người thường xuyên bị chứng đau nửa đầu cũng như bị viêm mũi dị ứng. Triệu chứng điển hình khi mắc cả hai tình trạng trạng này là ngứa mũi.
Khối u mũi: Các khối u có thể phát triển lành tính hoặc ác tính. Mặc dù khối u trong khoang mũi và xoang khá hiếm nhưng khi mắc phải cũng gây ra các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, đau ở trán, mặt, mắt hoặc xung quanh tai, nhiễm trùng tai, mất khứu giác, vị giác.
Mẹo ngăn ngừa ngứa mũi
Để ngăn ngừa chứng viêm ngứa mũi, đầu tiên bạn cần xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng. Một số cách giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp khi bị ngứa mũi bao gồm rửa tay và giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đầy đủ. Uống nhiều nước, sử dụng máy tạo ẩm dạng phun sương mát, bình xịt nước muối, nhỏ nước muối sinh lý, đeo khẩu trang ở môi trường ô nhiễm, tránh khói thuốc lá... cũng là những cách có thể giúp bạn cải thiện tình trạng ngứa mũi.
Anh Chi (Theo Very Well Health)