Vợ chồng anh Hải (37 tuổi, quê Hậu Giang) kết hôn 8 năm trước. Mong con 3 năm không có kết quả, hai vợ chồng khăn gói lên TP HCM để khám. Nhận kết quả tinh trùng yếu, dị dạng dẫn đến vô sinh hiếm muộn, anh Hải rầu rĩ vì không thể có con theo cách tự nhiên.
Năm 2018, vợ chồng anh trở lại TP HCM để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng chuyển phôi 4 lần đều thất bại. Năm 2019, ở lần IVF thứ hai, người vợ đậu thai nhưng siêu âm phát hiện thai nhi bị dị tật não. Vợ chồng anh Hải vẫn quyết định giữ thai, sinh em bé ra đời. Nhưng sau sinh 12 tuần, đứa trẻ qua đời do thoát vị não.
"Lúc đó, cả hai vợ chồng đều đau buồn và suy sụp, nhất là vợ tôi. Tôi hứa với vợ rằng sau này hai vợ chồng sẽ có con khỏe mạnh, không chỉ một mà hai, ba con. Cũng từ đó, tôi tự nhủ phải kiên trì, nhẫn nại hơn", anh Hải nhớ lại.
Niềm khao khát có con đã thôi thúc vợ chồng anh Hải vượt qua những tháng ngày u tối đó. Tháng 11/2022, họ tìm đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC). Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết, kết quả tinh dịch đồ của anh Hải có nhiều bất thường, tinh trùng di động chỉ có 1%, trong đó, hầu hết đều dị dạng, đuôi cụt.
Bác sĩ Vỹ lý giải, tinh trùng của bệnh nhân bị bất thường ở đuôi, không bơi được và chết quá nhanh trong ống dẫn tinh, trước khi vào đến tử cung của người vợ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến quá trình thụ tinh khi giao hợp bị thất bại, người vợ không thể mang thai tự nhiên. Khi điều trị bằng IVF, bệnh nhân có tiền căn phôi xấu. Do đó, phương pháp điều trị là lấy tinh trùng từ tinh hoàn thay vì từ mẫu xuất tinh bình thường.
Anh Hải được bác sĩ Vỹ cùng ê kíp thực hiện kỹ thuật TESE, thu nhận tinh trùng vừa được sinh ra trong tinh hoàn của bệnh nhân, lấy được nhiều hơn tinh trùng khỏe mạnh và tránh được các bất thường so với tinh trùng đã di chuyển qua đường sinh dục khá dài.
Song song với cuộc phẫu thuật của người chồng, người vợ được chọc hút noãn, thu được 16 noãn trưởng thành. Các chuyên viên phôi học lọc rửa tinh trùng, soi tìm kỹ càng trong lượng tinh trùng gần như bất động được 16 tinh binh đủ điều kiện và tiến hành thụ tinh, tạo được 16 phôi ngày 3.
Để tránh thai nhi dị tật bẩm sinh như trước đây, phôi được nuôi lên ngày 5 trong tủ nuôi cấy trang bị camera theo dõi liên tục về động học và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp quan sát sự phát triển của phôi để kịp thời sàng lọc những phôi có sự bất thường trong quá trình phân chia.
Người vợ bị lạc nội mạc tử cung nên đã được điều trị và chuẩn bị niêm mạc tốt trước khi chuyển phôi. Bệnh nhân được chuyển một phôi ngày 6 loại một và đậu thai ngay lần đầu tiên. Hiện bệnh nhân mang thai 13 tuần, tầm soát cho thấy thai nhi khỏe mạnh bình thường.
"Nhờ kết hợp điều trị toàn diện cả vô sinh nam, vô sinh nữ và hệ thống labo hiện đại sàng lọc phôi, bệnh nhân cuối cùng đã thực hiện được khát khao làm cha mẹ, đón những đứa con khỏe mạnh chào đời", bác sĩ Vỹ nhấn mạnh.
Nhớ lại thời khắc nghe được tim thai của con qua máy siêu âm, anh Hải xúc động: "Sau nhiều năm kiên trì, vực dậy từ suy sụp, cuối cùng vợ chồng tôi cũng được làm cha mẹ và nhìn thấy con chào đời khỏe mạnh như bao người khác".
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi