VNExpress

NỘI TIẾT VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành
Chủ nhật, 19/11/2023, 10:00 (GMT+7)

8 món ăn từ thực vật giúp kiểm soát đường huyết

Bột yến mạch, hạnh nhân, cải xoăn và cam chứa nhiều chất xơ hòa tan, chất chống oxy hóa giúp ổn định đường huyết.

Cam giàu chất xơ hòa tan pectin giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL). Loại quả này có chỉ số đường huyết (GI) thấp và tải lượng đường huyết (GL) là 4 không làm lượng đường trong máu đột biến.

Ăn cam tươi cả quả thay vì uống nước ép cam cung cấp thêm chất xơ và chất chống oxy hóa ngăn ngừa tổn thương tế bào, giảm ảnh hưởng đến đường huyết.

Đậu cung cấp protein thực vật và chất xơ hòa tan, có chỉ số đường huyết thấp. Hàm lượng chất xơ cao trong đậu làm chậm tốc độ tăng lượng đường trong máu vì cơ thể mất nhiều thời gian hơn để phân hủy chất dinh dưỡng này.

Yến mạch chứa beta-glucan - chất xơ hòa tan giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, tăng cảm giác no và có lợi cho tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bột yến mạch là loại carb phức tạp, được tiêu hóa chậm và cung cấp lượng đường ổn định hơn vào máu. Khẩu phần hợp lý là 1/2 chén bột yến mạch nấu chín mỗi sáng.

Hạnh nhân chứa nhiều vitamin E và magie, là thực phẩm bổ dưỡng cho người bệnh tiểu đường. Hạt này giàu chất xơ nên làm chậm tốc độ hấp thụ đường, giúp ổn định đường huyết.

Người bệnh tiểu đường thường có lượng cholesterol xấu trong cơ thể cao. Tiêu thụ hạnh nhân và các loại hạt cung cấp chất béo không bão hòa làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt (HDL).

Cải xoăn cung cấp nhiều loại vitamin gồm A, C, E, K và khoáng chất như sắt, canxi, kali thích hợp đưa vào chế độ ăn dành cho người bệnh tiểu đường. Rau này cũng ít calo và carb, chỉ số đường huyết thấp, giúp người bệnh duy trì mức đường huyết an toàn. Cải xoăn còn chứa chất cô lập axit mật, giảm cholesterol xấu.

Quế là chất làm ngọt tự nhiên mà người tiểu đường có thể dùng để thay thế đường ăn. Theo nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học Khoa học Y tế Western (Mỹ) trên 543 người, ăn quế làm giảm đường huyết lúc đói, tăng độ nhạy insulin, giảm viêm và cholesterol xấu.

Giấm táo có nhiều lợi ích sức khỏe, nhất là với người bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu năm 2014 của Trường Đại học bang Arizona (Mỹ) trên 29 người, tiêu thụ 20 g giấm táo trong bữa ăn nhiều carb có thể cải thiện độ nhạy insulin để ổn định đường huyết.

Trà xanh chứa polyphenol, chất chống oxy hóa có tác dụng điều chỉnh glucose (đường) trong cơ thể, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.

Phân tích năm 2013 của Trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) dựa trên 20 nghiên cứu cho thấy người uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 33% so với người chỉ dùng một tách trà xanh mỗi tuần.

Nên uống trà xanh vừa phải, cách xa giờ đi ngủ để tránh lượng caffeine quá nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Mai Cat (Theo Everyday Health)

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn