Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Emory (Mỹ), các triệu chứng trầm cảm không phải lúc nào cũng rõ ràng như thường xuyên khóc hay tuyệt vọng. Đôi khi, là những thay đổi rất nhỏ và giống như các trạng thái thông thường, khiến một người khó có thể nhận thấy. Các triệu chứng có thể dần dần chuyển từ nhẹ đến nặng, từ trạng thái bình thường sang giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, thậm chí có ý nghĩ tự tử dai dẳng. Sau đây là 8 triệu chứng trầm cảm mà bạn không nên bỏ qua.
Thức đêm, khó ngủ
Theo Khoa tâm thần học và sức khỏe hành vi, Đại học bang Ohio (Mỹ), trầm cảm có thể làm cạn kiệt năng lượng và động lực trong ngày khiến một người thức vào ban đêm và không thể ngủ được. Nếu bạn thường xuyên buồn ngủ và có thể ngủ rất lâu ban ngày nhưng đêm lại khó ngủ thì rất có thể do trầm cảm.
Mất hứng thú với sở thích
Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, một số người tìm đến các hoạt động theo sở thích của mình khi cảm thấy chán nản nhưng người bị trầm cảm nặng có xu hướng tránh và mất hứng thú với các hoạt động yêu thích. Ví dụ bạn rất thích đi dạo công viên cùng thú cưng nhưng đột nhiên không thể tập trung năng lượng để ra ngoài thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo.
Tăng năng lượng
Người bị trầm cảm thường đưa ra quyết định làm điều gì đó quyết liệt, họ có thể chuyển từ trạng thái chậm chạp, uể oải sang tràn đầy năng lượng rất nhanh. Theo Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Mỹ, điều này cũng có thể biểu hiện dưới dạng hành vi liều lĩnh, nhất là ở nam giới như thích hành vi bạo lực, tiêu xài hoang phí hoặc lạm dụng các chất kích thích (rượu hoặc ma túy).
Thường xuyên lo âu, khó tập trung
Ở nhiều người, trầm cảm có thể biểu hiện bằng việc thường xuyên cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn hoặc lo lắng, bồn chồn. Phụ nữ dễ mắc các triệu chứng lo âu, khó tập trung hơn nam giới.
Cảm giác mình vô dụng
Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, thường xuyên có cảm giác tội lỗi quá mức hoặc thấy mình thật vô dụng cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Mọi người có thể cảm thấy tội lỗi vì không làm đủ việc ở nhà, nơi làm việc hay không hoàn thành một công việc, nhiệm vụ nào đó.
Buồn bã và suy nghĩ tiêu cực
Trạng thái cho thấy một người có thể đã bị trầm cảm là: không hứng thú với cuộc sống, công việc, thường xuyên buồn bã, có những ý nghĩ "điên rồ", thậm chí là muốn tự tử vì một điều gì đó. Ví dụ, người bị trầm cảm có thể luôn bận tâm về cái chết, trở nên dễ chấp nhận những rủi ro không lường trước được.
Gặp các vấn đề sức khỏe dai dẳng
Đôi khi một người gặp các triệu chứng về thể chất mà không giải thích được như đau đầu dai dẳng, các vấn đề về tiêu hóa hoặc đau không rõ nguyên nhân. Điều này có thể cảnh báo đã bị trầm cảm.
Giảm cân và giảm thèm ăn
Một số người có xu hướng ăn quá nhiều khi đang chán nản hoặc lo lắng nhưng ở người bị trầm cảm nặng đôi khi lại ngược lại. Giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân không chủ đích có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Nếu nhận ra các triệu chứng trên, mọi người không nên bỏ qua, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè hoặc đi khám để điều trị. Phần lớn ở mọi người, ngay cả trầm cảm nặng, cũng có thể điều trị được với nhiều loại thuốc và liệu pháp đã được chứng minh có hiệu quả.
Mai Cat (Theo Everyday Health)