Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt là yếu tố quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng. Nhận biết dấu hiệu hệ tiêu hóa không khỏe giúp người bệnh kịp thời khám và điều trị phù hợp.
Đau bụng
Đau bụng thông thường do khó tiêu, đầy hơi hoặc căng cơ không nghiêm trọng. Nhưng khi đau kéo dài vài ngày hoặc kèm theo sốt, máu trong phân, nôn mửa hoặc buồn nôn dai dẳng, da vàng, đau khi chạm vào, sưng bụng, người bệnh nên đi khám sớm.
Táo bón
Không thể đi tiêu nhiều hơn ba lần mỗi tuần có thể do táo bón mạn tính. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến táo bón như thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống, uống ít nước, ít vận động, có khối u ở bụng và đại trực tràng. Nếu triệu chứng không cải thiện sau khi điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt, bạn cần khám sớm để được điều trị kịp thời.
Đầy hơi
Đầy hơi thường là cảm giác no khó chịu và bụng trông tròn hơn bình thường. Tình trạng này không biến mất sau khi xì hơi có thể là triệu chứng tiêu hóa kém. Nếu đầy hơi kèm xì hơi quá nhiều, kết hợp triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, sụt cân... cảnh báo sức khỏe bất thường.
Tiêu chảy
Tiêu chảy kéo dài hơn hai tuần là dấu hiệu của một số tình trạng đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy mạn tính chức năng, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng chảy máu. Tiêu chảy kèm phân đen, có máu hoặc kèm đau bụng hoặc sốt thường do các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng, cần điều trị.
Buồn nôn và nôn
Nôn hoặc buồn nôn do ngộ độc thực phẩm hoặc cũng có thể mắc bệnh như bán tắc ruột, viêm tụy... Người lớn bị nôn kéo dài 48 giờ hoặc có dấu hiệu mất nước, trẻ em nôn nhiều trong 24 giờ, 2-12 giờ với trẻ sơ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế khám.
Khó ngủ
Đường ruột không khỏe mạnh có thể gây mất ngủ, ngủ kém, dẫn đến mệt mỏi. Phần lớn serotonin trong cơ thể ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất trong ruột. Khi vi khuẩn hoặc viêm nhiễm trong ruột, giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng.
Tăng hoặc giảm cân không chủ ý
Khi đường ruột mất cân bằng, cơ thể gặp khó khăn khi hấp thụ dinh dưỡng, tích trữ chất béo và điều hòa lượng đường trong máu. Giảm hoặc tăng cân có thể do vi khuẩn phát triển quá mức hoặc thiếu chất dinh dưỡng.
Thay đổi màu phân
Màu sắc của phân cho thấy một số vấn đề ở hệ thống tiêu hóa. Phân bình thường màu vàng. Phân có màu đỏ tươi hoặc phân đen như bã cà phê có thể do màu thực phẩm hoặc chảy máu trong dạ dày tá tràng, đại trực tràng hoặc bệnh trĩ, đôi khi chảy máu ruột non. Phân bạc màu nặng gọi là phân trắng xảy ra khi vàng da tắc mật nặng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tiêu hóa kém cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt. Nên ăn chậm nhai kỹ, thêm men vi sinh vào chế độ dinh dưỡng, uống đủ nước, luyện tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, quản lý căng thẳng... Nếu thay đổi lối sống và chế độ ăn uống nhưng triệu chứng không cải thiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được kiểm tra.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |