Những món ăn yêu thích giúp thỏa mãn vị giác, tuy nhiên, nếu ăn quá nhanh hoặc quá nhiều, chúng có thể khiến bạn bị khó tiêu. Các triệu chứng khó tiêu bao gồm đầy bụng khó chịu sau khi ăn, đau hoặc cảm giác nóng rát ở bụng trên. Khó tiêu không phải là một bệnh, mà là một triệu chứng của các vấn đề tiêu hóa khác, chẳng hạn như loét, viêm dạ dày hoặc trào ngược axit.
Thay vì bắt buộc tìm đến thuốc để xoa dịu cơn khó chịu, các triệu chứng khó tiêu có thể được kiểm soát bằng các nguyên liệu và thảo mộc có trong nhà bếp.
Trà bạc hà
Bạc hà không chỉ làm thơm hơi thở mà còn có tác dụng chống co thắt, là lựa chọn tốt để giảm các vấn đề về dạ dày như buồn nôn và khó tiêu. Bạn có thể uống một tách trà bạc hà sau bữa ăn để nhanh chóng làm dịu dạ dày hoặc giữ một vài miếng bạc hà trong túi và ngậm kẹo sau khi ăn.
![Trà bạc hà. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/19/tra-bac-ha-1172-1650336344.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8uyBKUaQsBzuLQtQeazIuA)
Trà bạc hà có thể giảm tình trạng khó tiêu. Ảnh: Freepik
Theo tờ Healthline, mặc dù bạc hà có thể làm dịu chứng khó tiêu nhưng không nên uống hoặc ăn bạc hà khi chứng khó tiêu do trào ngược axit gây ra. Lý do bạc hà làm giãn cơ vòng thực quản dưới, nếu uống hoặc ăn có thể khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản và làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit. Trà bạc hà không được khuyên dùng cho những người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc loét.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc có thể làm dịu sự khó chịu ở ruột và giảm chứng khó tiêu bằng cách giảm axit dạ dày trong đường tiêu hóa. Hoa cúc cũng hoạt động như một chất chống viêm để giảm đau. Để chuẩn bị trà hoa cúc, bạn cho một hoặc hai túi trà vào nước sôi trong 10 phút, đổ vào cốc và thêm mật ong nếu muốn.
Trong trường hợp đang dùng thuốc làm loãng máu, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà hoa cúc. Bởi hoa cúc chứa một thành phần hoạt động như chất chống đông máu, sẽ có nguy cơ chảy máu khi kết hợp với chất làm loãng máu.
Giấm táo
Không chỉ cải thiện tình trạng của da và giúp giảm cân, giấm táo còn có thể làm dịu chứng khó tiêu. Quá ít axit dạ dày sẽ gây ra chứng khó tiêu, do đó, uống giấm táo để cơ thể tăng sản xuất axit dạ dày. Thêm một đến hai thìa cà phê giấm táo thô, chưa tiệt trùng vào một cốc nước và uống để giảm đau nhanh hoặc uống hỗn hợp này trước khi ăn 30 phút.
Cần lưu ý, tuy giấm táo an toàn nhưng uống quá nhiều hoặc không pha loãng lại gây ra các tác dụng phụ như mòn răng, buồn nôn, bỏng cổ họng và lượng đường trong máu thấp.
Gừng
Gừng là một phương thuốc tự nhiên khác cho chứng khó tiêu vì nó có thể làm giảm axit trong dạ dày. Quá nhiều axit trong dạ dày sẽ gây ra khó tiêu. Uống một tách trà gừng giúp làm dịu dạ dày và thoát khỏi chứng khó tiêu. Các lựa chọn khác có tác dụng tương tự bao gồm ngậm kẹo gừng, uống bia gừng hoặc tự pha nước gừng. Đun sôi một hoặc hai mẩu củ gừng trong bốn cốc nước. Thêm hương vị với chanh hoặc mật ong trước khi uống.
Tuy nhiên, bạn nên hạn chế tiêu thụ gừng ở mức 3-4 gram mỗi ngày. Uống quá nhiều gừng có thể gây đầy hơi, bỏng cổ họng và ợ chua.
Hạt thì là
Hạt thì góp phần chống co thắt và khắc phục chứng khó tiêu sau bữa ăn, làm dịu các vấn đề về đường tiêu hóa khác như co thắt dạ dày, buồn nôn và đầy hơi. Cho 1/2 thìa hạt thì là đã nghiền nát vào nước và đun sôi trong 10 phút trước khi uống. Uống trà thì là bất cứ khi nào cảm thấy khó tiêu. Một lựa chọn khác thay thế trà là nhai hạt thì là sau bữa ăn. Các tác dụng phụ của việc dùng hạt thì là bao gồm buồn nôn, nôn mửa và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Baking soda
Baking soda giúp nhanh chóng trung hòa axit trong dạ dày và làm giảm chứng khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi sau khi ăn. Đối với phương thuốc này, thêm 1/2 thìa cà phê muối nở vào 120 lít nước ấm và uống.
Baking soda nên dùng ở lượng phù hợp, uống một lượng lớn có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy, khó chịu, nôn mửa và co thắt cơ. Theo khuyến cáo, người lớn không nên dùng nhiều hơn 7 muỗng cà phê trong khoảng thời gian 24 giờ và không quá ba muỗng cà phê nếu trên 60 tuổi.
![[Caption]Baking soda có thể dùng trong các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/19/using-baking-soda-organic-clea-1170-1127-1650336344.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2PIQ7Qs9lDwVqOmIGD_PiA)
Baking soda có thể dùng trong các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu. Ảnh: Freepik
Nước chanh
Tác dụng kiềm của nước chanh cũng trung hòa axit trong dạ dày và cải thiện tiêu hóa. Pha một thìa nước cốt chanh vào nước nóng hoặc ấm và uống vài phút trước khi ăn. Ngoài việc làm dịu chứng khó tiêu, nước chanh cũng cung cấp một lượng vitamin C. Tuy nhiên, quá nhiều nước chanh có thể làm mòn men răng và khiến đi tiểu nhiều hơn. Để bảo vệ răng, bạn nên súc miệng bằng nước sau khi uống nước chanh.
Rễ cam thảo
Rễ cam thảo làm dịu co thắt cơ và viêm trong đường tiêu hóa. Cả hai đều có thể gây ra chứng khó tiêu. Nhai rễ cam thảo để giảm đau hoặc thêm rễ cam thảo vào nước sôi và uống hỗn hợp. Mặc dù có hiệu quả đối với chứng khó tiêu, rễ cam thảo có thể gây mất cân bằng natri và kali và huyết áp cao với liều lượng lớn. Bạn không nên dùng quá 2,5 gram rễ cam thảo khô mỗi ngày để giảm đau nhanh.
Anh Chi (Theo Healthline)