Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, căng thẳng là cách cơ thể và não bộ phản ứng với các tác nhân bên ngoài, có thể xảy ra một lần, ngắn hạn hoặc lặp lại trong thời gian dài. Căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ thể, gây hại và góp phần vào phát triển một số bệnh.
Trầm cảm
Theo đánh giá năm 2021 của Đại học Karachi, Pakistan, dựa trên 37 nghiên cứu, căng thẳng mạn tính không được kiểm soát có liên quan đến các rối loạn tâm thần như lo lắng, trầm cảm. Căng thẳng dai dẳng khiến cơ thể sản sinh ra một số hormone và hóa chất nhất định ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
Đánh giá năm 2007 của Đại học British Columbia, Canada, dựa trên nhiều nghiên cứu, cũng chỉ ra người trải qua các sự kiện căng thẳng lớn có thể phát triển trầm cảm theo thời gian.
Mất ngủ
Khảo sát năm 2013 của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ trên gần 2.000 người trưởng thành, xác nhận có mối liên hệ giữa căng thẳng và mất ngủ. Cụ thể, 43% người được khảo sát cho biết căng thẳng khiến họ mất ngủ ít nhất một lần trong tháng, 21% người cảm thấy căng thẳng hơn khi không ngủ ngon, 45% cảm thấy stress nặng hơn khi không ngủ đủ giấc.
Bệnh truyền nhiễm
Căng thẳng làm suy yếu chức năng miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh. Theo nghiên cứu năm 2005 của Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, 420 tình nguyện viên tiếp xúc với virus cảm lạnh, sau đó được cách ly để xem có mắc bệnh hay không. Kết quả cho thấy người bị căng thẳng và tâm trạng bất ổn có nhiều khả năng nhiễm virus hơn sau khi tiếp xúc.
Bệnh tim mạch
Nghiên cứu năm 2021 của Đại học Gothenburg, Thụy Điển, trên hơn 118.000 người, cho thấy căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Theo nghiên cứu năm 2015 của Đại học Y Tân Hương, Trung Quốc và một số đơn vị, một phần của phản ứng căng thẳng là nhịp tim nhanh hơn và co thắt mạch máu hoặc giãn mạch. Nếu stress trong thời gian dài, tim và hệ thống tim mạch có thể tổn thương.
Phân tích tổng hợp năm 2006 của Đại học Helsinki, Phần Lan, dựa vào 14 nghiên cứu, trên hơn 83.000 người, phát hiện nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 50% có liên quan đến mức độ căng thẳng cao trong công việc.
Bệnh đường tiêu hóa
Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Y Jagiellonian, Ba Lan, cùng một số đơn vị, chỉ ra căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột (quá trình thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa). Điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, trào ngược dạ dày thực quản, táo bón, tiêu chảy. Tất cả bệnh này đều có thể bị tác động bởi stress.
Đau mạn tính
Các cơ căng lên có thể gây ra, kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm một số tình trạng đau mạn tính như đau nửa đầu, đau lưng dưới. Nghiên cứu năm 2021 của Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc, trên 10.000 người, chỉ ra có mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ căng thẳng và chứng đau lưng mạn tính. Chính sự căng cơ do stress góp phần gây ra cảm giác đau đớn này.
Theo đánh giá năm 2017 của Đại học Yale, Mỹ, dựa trên 133 nghiên cứu, căng thẳng kéo dài và cơn đau mạn tính có mối liên hệ với nhau vì cả hai đều gây ra phản ứng tương tự trong não, nhất là ở vùng hải mã và hạch hạnh nhân.
Ung thư
Stress cũng đóng vai trò trong khởi phát bệnh ung thư, góp phần gây ra một số loại u ác tính. Điều này là do nó có thể kích hoạt phản ứng viêm của não và cơ thể, kích thích tuyến thượng thận tiết ra hormone gây căng thẳng là glucocorticoid, cùng nhiều tác động khác.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Quân y số 2, Trung Quốc, chỉ ra có quá nhiều loại viêm nhiễm do căng thẳng mạn tính trong cơ thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch.
Bệnh tự miễn dịch
Nghiên cứu năm 2018 của Viện Karolinska, Thụy Điển, trên gần 1,3 triệu người, cho thấy bệnh nhân mắc chứng rối loạn căng thẳng có nhiều khả năng rối loạn tự miễn dịch cao hơn so với người không bị rối loạn căng thẳng.
Các tình trạng tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, vẩy nến, lupus cũng trở nên nặng hơn do căng thẳng.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |