Mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan quan trọng trong cơ thể, tích tụ quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường... Mỡ nội tạng thường tập trung nhiều ở vùng hông, đùi và bụng, có thể giảm bằng cách thay đổi thói quen sống, sinh hoạt, ăn uống. Để loại bỏ mỡ nội tạng hiệu quả, mỗi người cần tránh các thói quen không tốt dưới đây.
Ăn tối muộn
Ăn tối muộn khiến năng lượng dư thừa nhiều, làm tích tụ chất béo. Ăn tối sớm hơn đồng nghĩa bạn có thêm thời gian để tiêu hao năng lượng cho các hoạt động khác như đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng. Từ đó, mỡ ít có khả năng tích tụ. Ăn tối nhẹ nhàng với ít calo hơn, ưu tiên protein dễ tiêu hóa từ cá hoặc thịt gia cầm và chất xơ, các loại hạt để no lâu.
Thường xuyên áp lực, căng thẳng
Người trưởng thành nên sắp xếp công việc, việc nhà và các hoạt động vui chơi cân đối, tránh tạo áp lực căng thẳng cho bản thân. Mức độ căng thẳng cao làm tăng nguy cơ viêm, tăng cortisol và dẫn đến tích trữ mỡ, chủ yếu ở bụng, quanh các cơ quan nội tạng. Một vài hoạt động nhỏ như hít thở sâu, đi dạo vào buổi tối, tắm nước ấm, trò chuyện cùng bạn bè, xem phim hoặc nghe nhạc cũng góp phần giải tỏa căng thẳng.
Lười vận động
Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày góp phần ngăn ngừa tích tụ mỡ nội tạng, giảm cân và duy trì cân nặng ổn định. Thay vì ngồi làm việc nhiều tiếng liên tục, mọi người nên đứng dậy vào đi lại sau một giờ làm việc hoặc thiết kế bàn đứng khi họp, trao đổi công việc, di chuyển bằng thang bộ... Tranh thủ giờ giải lao để đi bộ 5-10 phút cũng có lợi cho sức khỏe, giúp cơ bắp săn chăn hơn, phòng mỡ nội tạng hình thành.
Ngủ ít
Ngủ không đủ giấc làm tăng hormone gây đói ghrelin. Ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm góp phần kiểm soát hormone này, từ đó hỗ trợ điều chỉnh thói quen ăn uống lành mạnh, tránh ăn uống vô độ. Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến quá trình giải phóng chất béo và trao đổi chất.
Không chăm sóc đường ruột
Đường ruột không khỏe dẫn đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng không hiệu quả, ảnh hưởng đến loại bỏ chất độc hại như hương liệu, chất bảo quản, hóa chất. Các chất này phá hủy hệ vi khuẩn đường ruột bình thường, tăng nguy cơ đầy hơi, chướng bụng. Ngoài đầy hơi, ruột yếu có thể bị viêm, khiến khó giảm cân.
Cách cung cấp năng lượng cho ruột khỏe mạnh và chống viêm là hạn chế các món ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thực phẩm có nhiều đường bổ sung, chất béo bão hòa và natri. Bổ sung probiotic giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Probiotic có nhiều trong sữa chua Hy Lạp kimchi, kombucha, dưa cải bắp...
Lạm dụng đường bổ sung
Đường tự nhiên có trong rau củ quả tốt cho sức khỏe khi dùng ở mức độ vừa phải. Trong khi đó ăn quá nhiều đường bổ sung, chất tạo ngọt nhân tạo từ bánh kẹo, nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường. Đường bổ sung làm tăng khối lượng công việc của gan, khiến gan quá tải, không thể xử lý kịp và biến đường thành chất béo, tăng mỡ ở bụng và gan.
Uống rượu quá nhiều
Rượu có khả năng kích thích tiết insulin, tăng đường huyết, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thức ăn. Từ đó lượng calo dư thừa tích tụ nhiều hơn dưới dạng mô mỡ trong cơ thể. Nam giới chỉ nên uống 1-2 ly rượu một ngày, nữ giới không uống quá một ly để bảo vệ sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ viêm.
Anh Chi (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |