Gan đảm nhận nhiều chức năng như lưu trữ chất dinh dưỡng, sản xuất mật giúp tiêu hóa chất béo và loại bỏ chất thải trong máu. Cơ quan này còn lọc và xử lý thực phẩm, đồ uống, thuốc đi vào cơ thể, giải độc tố hấp thụ từ ruột, sản xuất protein, các yếu tố đông máu.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết lá gan khỏe mạnh giữ cho các chức năng trao đổi chất của cơ thể ở trạng thái tối ưu. Sức khỏe của gan suy yếu có thể dẫn đến các bệnh về gan. Song các bệnh gan có thể phòng ngừa thông qua thay đổi lối sống, thực hiện thói quen lành mạnh mỗi ngày.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về gan. Những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn do lượng mỡ thừa tích tụ dẫn đến tổn thương gan và các biến chứng khác. Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống khoa học có thể cải thiện chức năng gan tổng thể. Chỉ số cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5-22,9 góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và các bệnh khác.
Không lạm dụng rượu bia
Uống rượu bia quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan. Khi uống rượu bia, gan ngừng làm những việc khác để phân hủy rượu bia ra khỏi máu. Lạm dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ viêm, sẹo và các tổn thương khác cho gan.
Không hút thuốc
Tiến sĩ Khanh cho biết khói thuốc chứa hàng trăm chất độc, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan, tổn thương gan trầm trọng hơn. Thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Người có thói quen hút thuốc nên bỏ hút thuốc để có thể cải thiện sức khỏe gan và giảm nguy cơ mắc bệnh gan.
Chế độ ăn lành mạnh
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để cơ thể nhận được các chất dinh dưỡng và chất xơ cần thiết. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường và muối vì chúng góp phần gây tổn thương gan. Giảm lượng tinh bột như cơm, bánh mì... Thay vào đó nên có chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo lành mạnh để bảo vệ sức khỏe gan.
Tiến sĩ Khanh gợi ý một số thực phẩm có lợi như các loại rau lá xanh giàu chất chống oxy hóa, cá nhiều axit béo omega-3 giảm viêm, cải thiện chức năng gan. Các loại hạt nhiều chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh có thể bảo vệ tế bào gan khỏi hư hại.
Uống đủ nước
Thói quen uống đủ nước góp phần loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, cải thiện chức năng gan. Mỗi ngày nên uống lượng nước phù hợp với trọng lượng cơ thể, uống nhiều hơn nếu tập thể dục và tham gia các hoạt động ra nhiều mồ hôi.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm viêm và cải thiện chức năng gan.
Tập thể dục còn cải thiện cách thức hoạt động của insulin, đốt cháy chất béo trung tính, giảm nguy cơ phát triển bệnh gan, nhất là gan nhiễm mỡ. Tập thể dục với cường độ vừa phải, tổng cộng 150 phút mỗi tuần như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội... hầu hết các ngày trong tuần để duy trì sức khỏe nhờ lối sống lành mạnh.
Khám sức khỏe định kỳ
Tiến sĩ Khanh cho biết hầu hết tình trạng tổn thương gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan giai đoạn đầu đều không có triệu chứng hoặc các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh dễ bỏ qua khiến tình trạng tổn thương gan tiến triển nặng, khó phục hồi.
Khám sức khỏe định kỳ bao gồm siêu âm, xét nghiệm các chỉ số tổn thương gan có ý nghĩa quan trọng, giúp bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị sớm, nâng cao hiệu quả và chất lượng sống cho người bệnh. Tiêm ngừa vaccine viêm gan A và B theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh gan liên quan đến virus.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |