Căng thẳng, thói quen ăn uống, lối sống thiếu khoa học... có thể gây căng tức, đầy bụng. Các vấn đề về tiêu hóa hoặc nội tiết tố cũng khiến bạn có cảm giác này. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, khi bị đầy bụng, người bệnh có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh thói quen, lối sống. Nếu bệnh không cải thiện thì người bệnh cần thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây đầy bụng sau ăn.
Thói quen ăn uống
Ăn quá nhiều, quá nhanh hoặc ăn khi căng thẳng có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng, khó chịu. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ như đậu, hành tây, bắp cải... có khả năng gây đầy hơi nếu ăn nhiều. Đồ uống có ga cũng làm tăng cảm giác no. Một số người trẻ ăn quá nhanh và nuốt nhiều hơi khi ăn cũng khiến đầy bụng.
Tình trạng này có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc hành vi như ăn các phần nhỏ hơn; ăn chậm; ngừng ăn khi cảm thấy no; uống đủ nước; tập thể dục thường xuyên; tránh thực phẩm, đồ uống có tính axit, đầy hơi; tránh tiêu thụ quá nhiều muối.
Chứng khó tiêu chức năng
Chứng khó tiêu chức năng có một số triệu chứng điển hình như đau hoặc nóng trong dạ dày, cảm thấy no ngay sau khi ăn, thường ăn ít hơn so với bình thường. Người bệnh cảm thấy khó chịu, dạ dày ùng ục, ợ hơi, đầy hơi, buồn nôn... Có nhiều nguyên nhân như ăn nhiều thực phẩm có tính axit như cà chua, nước cam, căng thẳng, stress, hút thuốc, uống rượu bia, nước có ga, caffein... Thay đổi chế độ ăn uống có thể cải triệu chứng khó tiêu.
Táo bón
Táo bón khá phổ biến, gây cảm giác đầy bụng và khó chịu. Người bị táo bón cũng có thể đi tiêu khó hoặc đau, phân cứng, vón cục, có thể 2-3 ngày hoặc lâu hơn nữa đi ngoài. Trường hợp nhẹ có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục. Nếu triệu chứng không thuyên giảm cần loại trừ nguyên nhân cản trở cơ học như ung thư đại trực tràng.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có các triệu chứng điển hình là đầy hơi và khó chịu. Người bệnh có thể đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy và táo bón xen kẽ, có cảm giác đi đại tiện xong nhưng không hoàn toàn hết phân. Một số nguyên nhân như nhiễm trùng do vi khuẩn đường tiêu hóa, vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức trong ruột non, không dung nạp và nhạy cảm với thực phẩm, tiền sử chấn thương, lo lắng hoặc trầm cảm.
Viêm loét dạ dày hành tá tràng
Helicobacter pylori là vi khuẩn có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày dẫn tới viêm hoặc loét dạ dày tá tràng. Loét dạ dày tá tràng cũng có thể xảy ra do sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài hoặc hội chứng Zollinger-Ellison (một tình trạng hiếm gặp hiếm các khối u phát triển ở phần trên ruột non hoặc ở tụy).
Triệu chứng phổ biến nhất của vết loét là đau dạ dày âm ỉ hoặc nóng rát vùng thượng vị. Cơn đau có thể xảy ra khi đói hoặc đau sau khi ăn vào, có thể đến và đi trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Các triệu chứng khác như đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân. Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân viêm loét.
Ung thư đường tiêu hóa
Ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư gan và ung thư tụy đều có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng. Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, ít gặp ở người trẻ, xảy ra ở người có yếu tố nguy cơ như viêm gan virus B, C đối với ung thư gan, uống bia rượu đối ung thư tụy....
Nội tiết tố
Phụ nữ thường bị đầy chướng bụng trước và trong kỳ kinh nguyệt. Thay đổi nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây đầy bụng vì estrogen có thể giữ nước. Khi estrogen tăng đột biến và progesterone giảm, bạn sẽ thấy chướng bụng, đầy bụng do chất lỏng. Estrogen và progesterone có thể tạo ra khí đường ruột bằng cách làm chậm hoặc tăng tốc độ nhu động. Các thụ thể estrogen trong đường tiêu hóa ảnh hưởng đến độ nhạy cảm nội tạng gây đầy hơi và có thể cải thiện khi hết kỳ kinh nguyệt.
Theo Tiến sĩ Khanh, đầy bụng thông thường không nguy hiểm và có thể cải thiện tại nhà bằng cách điều chỉnh chế độ làm việc nghỉ ngơi và ăn uống, giảm ăn chất kích thích và gia vị cay nóng, uống đủ nước, tập thể dục... Tình trạng đầy bụng dai dẳng không cải thiện hoặc kèm theo sốt, nôn mửa, đau bụng... cần đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy để loại trừ các nguyên nhân bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư tụy.
Lục Bảo