Mất cân bằng nội tiết tố (hormone) là tình trạng phổ biến ở phụ nữ; do nồng độ estrogen, progesterone, testosterone, hormone tuyến giáp thấp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dấu hiệu thường gặp như đổ mồ hôi, thường xuyên mệt mỏi, nổi mụn, giảm ham muốn, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt... Rối loạn nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất gồm các phản ứng hóa học trong các tế bào của cơ thể, biến đổi thức ăn thành năng lượng.
BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một số món ăn dưới đây giúp bổ sung nội tiết tố cho phụ nữ.
Quả bơ: Hàm lượng lớn chất xơ, chất béo lành mạnh trong bơ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Các vi chất trong quả bơ làm tăng nội tiết tố cho cơ thể, khắc phục các vấn đề lão hóa da, duy trì vóc dáng cân đối. Ăn khoảng 1/4 quả bơ mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe.
Hạnh nhân: Loại hạt này có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, hạn chế cholesterol xấu hình thành trong cơ thể, bổ sung nội tiết. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều hạnh nhân vì hàm lượng calo cao dễ gây tăng cân.
Hạt mè: Chất xơ, phytoestrogen (hợp chất tự nhiên có trong thực vật) làm tăng hoạt động của hormone estrogen, nhất là ở phụ nữ mãn kinh, cải thiện mức cholesterol trong máu.
Cá béo: Cá thu, cá hồi, cá mồi... chứa nhiều omega-3 góp phần phòng ngừa hội chứng buồng trứng đa nang (một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mất cân bằng nội tiết tố), điều hòa kinh nguyệt.
Bắp cải: Bông cải xanh, bắp cải, cải bẹ xanh giàu phytoestrogen bổ sung nội tiết tố cho phụ nữ.
Thịt gà: Ức gà giàu protein, ít chất béo. Chế độ ăn giàu protein thúc đẩy quá trình tiết hormone leptin mang lại cảm giác no. Thịt gà cũng có tác dụng tích cực với các hormone insulin, estrogen góp phần xây dựng cơ bắp sau khi tập luyện, cân bằng nội tiết tố nữ.
Trứng: Vitamin choline trong trứng có tác dụng sản xuất chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, tốt cho não, hoạt động của hệ thần kinh, giúp nhớ lâu hơn. Trứng còn cung cấp axit béo omega-3, chất béo chống viêm hỗ trợ não bộ, đảm bảo hệ thần kinh ổn định, từ đó kiểm soát căng thẳng.
Một số loại thuốc cũng hỗ trợ bổ sung nội tiết tố nữ, cân bằng nội tiết, như hormone kiểm soát sinh sản. Các loại thuốc này chứa các dạng estrogen, progesterone giúp điều chỉnh các triệu chứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều, dùng cho phụ nữ không mang thai.
Theo bác sĩ Ngân, người bị khô âm đạo có sự thay đổi nồng độ estrogen nên thoa kem chứa estrogen trực tiếp lên các mô âm đạo để giảm các triệu chứng hoặc dùng viên nén, vòng chứa estrogen để giảm khô. Ngoài ra, thuốc thay thế hormone làm giảm tạm thời các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến thời kỳ mãn kinh như nóng trong người hoặc đổ mồ hôi đêm. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc trên.
Trong quá trình bổ sung nội tiết tố nữ, phái đẹp cần ngủ đủ giấc để cơ thể duy trì lượng hormone cần thiết để thực hiện các chức năng quan trọng. Tránh căng thẳng vì kích thích cơ thể sản xuất nhiều hormone căng thẳng cortisol, adrenaline. Hormone căng thẳng dư thừa làm mất cân bằng hormone, tác động tiêu cực đến mức estrogen.
Tập thể dục vừa đủ để điều chỉnh lượng mỡ trong cơ thể, ngủ ngon hơn. Hạn chế uống rượu do rượu làm tăng nồng độ estrogen. Theo thời gian, tiếp xúc quá nhiều với estrogen làm tăng khả năng phát triển ung thư. Nên theo dõi lượng thức ăn, giảm thực phẩm có đường, ăn các món giàu chất xơ và chất béo lành mạnh (chất béo có trong dầu ô liu, các loạt hạt, cá...) để cân bằng nội tiết tố.
Có nhiều cách bổ sung nội tiết tố nữ, tùy vào tình trạng bệnh mà điều trị khác nhau. Khi có triệu chứng do thay đổi nội tiết tố, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám để điều trị phù hợp, tránh tự ý sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |