Rạn da là tình trạng phổ biến thường gặp ở những người tăng cân quá nhanh trong một thời gian ngắn. Ở phụ nữ mang thai, vết rạn có thể xuất hiện sớm từ hai tam cá nguyệt đầu của thai kỳ nhưng cũng có những mẹ bầu đến tận tháng thứ 8, 9 mới xuất hiện vết rạn. Một số người không có dấu hiệu rạn da suốt thai kỳ nhưng sau sinh lại thấy các vết rạn xuất hiện. Vị trí thường gặp của các vết rạn da là vùng bụng, ngực, hông và đùi.

Phụ nữ mang thai thường bị rạn da bụng. Ảnh: Freepik.
Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nguy cơ và điều trị rạn da mà bạn có thể áp dụng.
Kiểm soát cân nặng
Một trong những biện pháp hữu ích nhất giúp ngăn ngừa rạn da, dù bạn có đang mang thai hay không, là duy trì cân nặng hợp lý. Rạn da có thể xảy ra khi cơ thể tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng. Một số người bị rạn da trong quá trình tăng trưởng vượt bậc, chẳng hạn như ở tuổi dậy thì. Cố gắng kiểm soát những thay đổi của cơ thể diễn ra quá nhanh có thể là cách tốt nhất. Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để kiểm soát cân nặng. Nếu nhận thấy cân nặng tăng hoặc giảm bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Uống đủ nước
Uống đủ nước có thể giúp cho làn da duy trì tình trạng ẩm ướt, đàn hồi và khỏe mạnh từ bên trong. Da mềm mại không có xu hướng bị rạn nhiều như da khô. Theo khuyến nghị của Institute of Medicine, nam giới cần tiêu thụ khoảng 3 lít nước mỗi ngày, nữ giới cấn khoảng 2,1 lít nước. Đồng uống chứa caffein có thể làm tăng nguy cơ rạn da. Nếu uống cà phê, hãy đảm bảo cân bằng nó bằng nhiều nước, trà thảo mộc hoặc các loại nước không chứa caffein khác.
Duy trì chế độ ăn giàu dưỡng chất
Rạn da cũng có thể xuất hiện nếu cơ thể thiếu dinh dưỡng ở một số vùng nhất định. Bạn nên bổ sung thực phẩm tăng cường sức khỏe làn da chứa vitamin C, D, E, kẽm, chất đạm. Chế độ ăn uống đa dạng màu sắc cũng chứa nhiều dinh dưỡng. Chẳng hạn, một bữa sáng gồm trứng, bánh mì nướng kèm các loại quả mọng rất tốt cho sức khỏe và làn da.

Ăn uống đủ dinh dưỡng góp phần hạn chế rạn da. Ảnh: Freepik.
Tăng cường vitamin C
Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho làn da chắc khỏe và đàn hồi. Nó giúp giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn và góp phần ngăn ngừa vết rạn da. Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của collagen. Vitamin C có thể được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả như cam, chanh, bưởi...
Bổ sung một số vitamin D
Một nghiên cứu cho thấy việc duy trì bổ sung vitamin D ở mức vừa đủ có thể làm giảm nguy cơ bị rạn da. Cách dễ nhất để hấp thụ vitamin D là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D cũng có trong bánh mì, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa hoặc sữa chua.
Ăn thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe làn da. Nó giúp giảm viêm và chữa lành vết thương. Cho đến nay, chưa có nhiều bằng chứng về mối liên hệ giữa kẽm và vết rạn da. Nhưng việc bổ sung các thực phẩm giàu kẽm trong chế độ ăn uống bằng các loại hạt và cá có thể giúp cho làn da khỏe mạnh.
Chăm sóc vết rạn ngay khi mới xuất hiện
Nếu không thể ngăn ngừa hoàn toàn các vết rạn trên da, bạn có thể gặp bác sĩ da liễu. Chuyên gia sẽ giúp xác định nguyên nhân gây rạn da và đề xuất các phương án điều trị phù hợp với cơ địa của bạn.
Châu Vũ (Theo Healthline)