Chứng chóng mặt phổ biến ở người lớn, gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi không tập trung. Theo Trung tâm Y tế Đại học California San Francisco (Mỹ), 40% những người trên 40 tuổi từng bị chóng mặt ít nhất vài lần trong đời. Tuy chóng mặt phổ biến nhưng có nhiều nguyên nhân gây ra mà mọi người có thể chưa biết.
Vấn đề về tai: Chứng rối loạn thăng bằng xảy ra do các tinh thể ở tai ngoài bong ra trôi vào ống tai trong, dẫn đến tình trạng quay cuồng, chóng mặt. Chóng mặt do chứng rối loạn thăng bằng xảy ra liên quan đến các tình trạng như: chấn thương tai, nhiễm trùng tai trong. Các bệnh lý như tiểu đường và loãng xương cũng có thể gây rối loạn thăng bằng.
Mức vitamin B12 thấp: Tình trạng thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến một số vấn đề về thần kinh, bao gồm cảm giác mất thăng bằng, huyết áp thấp và giảm lưu lượng máu đến não gây chóng mặt liên tục. Thiếu vitamin B12 dễ phát hiện và điều trị nhưng lại là nguyên nhân gây chóng mặt thường bị bỏ qua. Mọi người có thể bổ sung B12 qua thực phẩm như thịt, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc ăn sáng.
Triệu chứng của bệnh tim: Những người mắc bệnh tim có thể bị chóng mặt khi có những chuyển động đột ngột, chẳng hạn như đứng dậy quá nhanh, ngồi bật dậy khi đang nằm... Theo Tiến sĩ Patricia Blau, Phó giáo sư vật lý trị liệu tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas (Mỹ), các bệnh tim mạch như van tim bị rò rỉ, hẹp van tim, rối loạn nhịp tim, rung tâm nhĩ, xơ vữa động mạch thường gây chóng mặt do lưu lượng máu đến não giảm.
Đi thuyền hoặc nằm ngửa khi bơi: Nhiều người bị khó chịu, choáng váng, chóng mặt buồn nôn khi đi thuyền hoặc nằm ngửa khi bơi lội. Triệu chứng có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí cả tháng. Chóng mặt trong trường hợp này được gọi là chứng say do chuyển động hay say tàu xe.
Lo lắng: Chóng mặt gây lo lắng có thể do rối loạn chức năng não, rối loạn lo âu. Những người mắc bệnh này có thể nhạy cảm bất thường với ánh sáng hoặc các tác nhân gây kích thích thị giác. Bệnh có các triệu chứng như hồi hộp, lo lắng, buồn nôn.
Chứng đau nửa đầu: Chứng đau nửa đầu có thể khiến người bệnh chóng mặt, thường kéo dài kể cả khi cơn đau đầu kết thúc. Các triệu chứng khác của chứng chóng mặt liên quan đến đau nửa đầu bao gồm nhạy cảm với chuyển động, ánh sáng và âm thanh.
Mất nước: Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), tình trạng mất nước nhẹ có thể là nguyên nhân khiến một người cảm thấy chóng mặt, choáng váng. Mất nước khiến khuyến áp tụt cũng dẫn đến triệu chứng chóng mặt. Mọi người nên chú ý uống đủ nước mỗi ngày, nhất là vào những ngày mùa hè hoặc khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Chóng mặt không phải là tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bị chóng mặt, dù nặng hay nhẹ bạn cũng nên lưu ý vì đây có thể dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề. Do đó, nếu bị chóng mặt quay cuồng kéo dài xảy ra cùng các triệu chứng khác về thính giác, buồn nôn, mệt mỏi thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân, sớm có hướng điều trị.
Anh Chi (Theo Everyday Health)