Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh gan bao gồm uống nhiều rượu, lượng đường trong máu cao, béo phì, huyết áp cao, virus, cholesterol tăng cao... Có nhiều phương pháp điều trị bệnh gan như thuốc, liệu pháp miễn dịch, thay đổi lối sống, phẫu thuật cắt bỏ gan, ghép gan... Bên cạnh các phương pháp này, một số loại thảo mộc cũng có ích cho sức khỏe lá gan. Dưới đây là một số gợi ý theo tờ Healthline (Mỹ).
Trà xanh
Trà xanh và hợp chất polyphenol chính của nó là epigallocatechin-3-gallate (EGCG) thường dùng để hỗ trợ chữa các bệnh lý về gan. Một nghiên cứu tại Iran trên 80 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu năm 2016 cho thấy, bổ sung 500 mg chiết xuất trà xanh mỗi ngày và trong 90 ngày làm giảm đáng kể các dấu hiệu tổn thương gan.
Uống trà xanh cũng được chứng minh góp phần chống lại các tình trạng khác nhau về gan như ung thư gan, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và bệnh gan mạn tính theo nhiều nghiên cứu. Thức uống này thường an toàn đối với nhiều người.
Nghệ
Củ nghệ và thành phần chính của nó là curcumin có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhiều tài liệu cho rằng nghệ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ phòng chống ung thư. Do đó, loại thảo mộc này trở thành lựa chọn phổ biến cho những người bị bệnh gan.
Hai nghiên cứu ở Iran trên 140 người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu dùng 500 mg sản phẩm curcumin hoặc curcumin và piperine trong 8-12 tuần làm giảm mỡ gan và chỉ số men gan AST, ALT so với nhóm dùng giả dược. Bổ sung nghệ và curcumin thường an toàn nhưng bạn nên lưu ý hỏi bác sĩ trước khi sử dụng.
Tỏi
Tỏi được dùng phổ biến trong nhiều phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược. Nó chứa các hợp chất thực vật chống oxy hóa và chống viêm mạnh chẳng hạn như allicin, alliin và ajoene, hỗ trợ sức khỏe của gan.
Một nghiên cứu năm 2020 ở 98 người ở Iran mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy, những người dùng 800 mg bột tỏi mỗi ngày trong 15 tuần giảm chỉ số men gan ALT và AST, LDL (cholesterol xấu) và Triglyceride (chất béo trung tính) so với nhóm dùng giả dược.
Nghiên cứu khác trên 24.000 người trưởng thành do Đại học Y khoa Thiên Tân (Trung Quốc) thực hiện phát hiện những người đàn ông ăn tỏi sống trên 7 lần mỗi tuần giảm 29% nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ. Những người ăn tỏi sống với nguy cơ ung thư gan thấp hơn theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc năm 2019. Ăn tỏi sống hai lần hoặc nhiều hơn mỗi tuần có thể giảm 23% nguy cơ ung thư gan so với người tiêu thụ ít hơn mức này.
Mặc dù tỏi sống thường an toàn nhưng chất bổ sung tỏi cô đặc có thể gây tổn thương gan ở một số người nên cần lưu ý.
Gừng
Củ gừng thường được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh bao gồm cả bệnh gan. Hai nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ quan sát gần 100 người Iran bị gan nhiễm mỡ không do rượu bổ sung 2 gram gừng trong 12 tuần hoặc bột gừng đã giảm đáng kể chỉ số men gan ALT, các dấu hiệu viêm và tích tụ chất béo trong gan so với nhóm dùng giả dược.
Rễ gừng có chứa các hợp chất mạnh như gingerols, shogaols góp phần ức chế tình trạng viêm và bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, hỗ trợ sức khỏe của gan. Loại thảo mộc này cũng có thể giúp bảo vệ gan chống lại các chất độc như rượu. Gừng thường an toàn, ngay cả với những người bị bệnh gan. Tuy nhiên, bạn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung các sản phẩm gừng liều cao.
Nhân sâm
Nhân sâm là loại thảo dược được biết đến với đặc tính chống viêm. Ba nghiên cứu độc lập trên người đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, điều trị bằng nhân sâm có thể cải thiện chức năng gan và giảm mệt mỏi và viêm nhiễm ở người bị bệnh gan và rối loạn chức năng gan. Sử dụng 3 gram chiết xuất nhân sâm mỗi ngày trong 12 tuần ở 51 người đàn ông cũng giảm đáng kể chỉ số men gan theo nghiên cứu năm 2020 của Hàn Quốc.
Khi sử dụng riêng, nhân sâm tương đối an toàn cho sức khỏe của gan. Tuy nhiên, nhân sâm có khả năng phản ứng với thuốc, có thể dẫn đến tổn thương gan và các tác dụng phụ. Do đó, người mắc bệnh gan nếu dùng nhân sâm nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Cam thảo
Rễ cam thảo đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan qua nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ năm 2020 đăng trên Thư viện Y khoa của quốc gia này. Thành phần hoạt chất chính trong rễ cam thảo là hợp chất saponin glycyrrhizin, được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc, Nhật Bản để điều trị nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh gan.
Điều trị bằng chiết xuất cam thảo có thể có lợi cho những người mắc một số bệnh về gan. Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Y khoa Qazvin (Iran) trên 66 người bị bệnh gan nhiễm mỡ nhận thấy bổ sung 2 gam chiết xuất rễ cam thảo mỗi ngày trong 2 tháng làm giảm đáng kể ALT và AST41 so với điều trị bằng giả dược.
Một số người nhạy cảm hơn với cam thảo như huyết áp cao, lượng kali trong máu thấp nếu sử dụng lâu dài các sản phẩm từ loại thảo mộc này có thể gặp tác dụng phụ.
Cây kế sữa
Cây kế sữa và các hợp chất được chiết xuất từ hạt cây kế sữa như silybin, silychristin và silydianin mang đến nhiều lợi ích. Theo thông tin đăng tải trên Thư viện Y khoa Mỹ, cây kế sữa đã được sử dụng trong hơn 2.000 năm để hỗ trợ điều trị các bệnh về gan và ống mật. Các nghiên cứu cho thấy, nó có thể có các đặc tính bảo vệ gan. Theo nghiên cứu của Italy, silymarin có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ thúc đẩy tái tạo tế bào gan, hỗ trợ giảm viêm và có lợi cho những người bị bệnh gan.
5 nghiên cứu độc lập cho thấy, silymarin có thể bảo vệ chống lại sự tiến triển của bệnh gan, kéo dài tuổi thọ ở bệnh nhân xơ gan do rượu và nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể cho người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, lợi ích này vẫn cần nghiên cứu thêm.
Kim Uyên
(Theo Healthline)