Theo Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thị Phương Dung - phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, stress học đường là phản ứng tâm sinh lý của học sinh, sinh viên trước những áp lực, quá tải tác động vào bản thân. Đây có thể là áp lực từ học tập, từ gia đình, bạn bè, người thân. Nguyên nhân gây stress có nhiều lý do khác nhau nhưng chúng là tác nhân khiến học sinh lo lắng, áp lực, căng thẳng kéo dài dẫn đến nhiều thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Nhiều trường hợp phát hiện trễ, dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân, tự tử.
Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thị Phương Dung thông tin thêm, theo kết quả đánh giá trong nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian học trực tuyến do Covid-19 là 65,1%. Học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, trung bình, đến nặng và rất nặng.
Phụ huynh và nhà trường cần song hành quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần, cải thiện vấn đề stress học đường để phòng ngừa nguy cơ trẻ căng thẳng, không làm chủ bản thân dẫn đến hành vi tự tử. Để cải thiện vấn đề stress học đường, thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thị Phương Dung đưa ra 7 cách phòng ngừa và giúp phụ huynh cùng con vượt qua.
Thay đổi kỳ vọng để phù hợp với thực tế
Khả năng tiếp thu, sự biểu hiện học tập của con có thể bị thay đổi trong quá trình học. Thế nên, khi mong đợi, kỳ vọng thành tích của con vẫn như ở môi trường học tập cũ sẽ là điều khó với trẻ. Ba mẹ có thể cùng con nói chuyện, thảo luận để xem xét kỳ vọng kết quả học tập của con ở mức nào là phù hợp ở hoàn cảnh hiện tại, tránh tăng nhiều áp lực cho trẻ.
Trò chuyện với con
Phụ huynh cần hỏi han, trò chuyện về việc học tập (môn nào con thích học hơn, khó khăn gì của con, các bạn của con...) sẽ giúp trẻ cảm thấy đang được chú ý và quan tâm đến.
Các trẻ ở độ tuổi lớn hơn chút (như tuổi dậy thì...) cũng cần được trò chuyện nhiều hơn về đa dạng chủ đề (những điều trẻ quan tâm, thay đổi về mặt cơ thể, tâm sinh lý, xa bạn bè...). Không phải lúc nào trẻ cũng sẵn sàng chia sẻ khi được ba mẹ hỏi, ba mẹ có thể mở đầu bằng câu chuyện của bản thân hay ai đó, không nhất thiết buộc trẻ nói nhiều hay phải nói về trẻ, mà trò chuyện về các chủ đề mở rộng cũng rất quan trọng. Điều này giúp con duy trì giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh.
Động viên, khen ngợi
Môi trường online khiến trẻ thiếu những tương tác có lời và không lời từ thầy cô, bạn bè (khen ngợi, vỗ tay, thưởng sticker,...). Từ đó cũng ảnh hưởng đến động lực học tập. Trẻ càng cần ba mẹ là những người đồng hành và khích lệ trẻ. Khen tặng trẻ sau mỗi lần hoàn thành bài tập hay công việc được giao. Đây có thể là lời khen về kết quả nhưng cần hơn là lời ghi nhận về cố gắng của trẻ "hôm nay mẹ thấy con ngồi học tập trung hơn, hôm nay con phát biểu nhiều hơn, con kiên nhẫn làm bài tập hơn...". Những lời ghi nhận về sự cố gắng giúp trẻ thấy được ba mẹ có quan tâm, nhìn thấy nỗ lực của mình, cũng như giảm gây áp lực cho các em.
Vui chơi, hoạt động chung cùng gia đình
Ba mẹ và con có thể thảo luận thời gian nào trong ngày là lúc trẻ được vui chơi, giải trí theo cách bé muốn.
Những giờ hoạt động chung của gia đình cũng sẽ rất cần thiết cho trẻ: cả nhà cùng tập thể dục, xem phim, chơi trò chơi, ăn cơm tối cùng nhau, ba mẹ kể chuyện của ba mẹ, và lắng nghe con kể chuyện trường lớp của con,...
Môi trường học tập
Xem xét phòng học của con có đủ yên tĩnh không, đường truyền internet có tốt, có các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến sự tập trung của con không (đồ chơi xung quanh, tivi, ồn ào,...) và thay đổi nó. Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong giờ giải lao có thể giúp cải thiện sự tập trung của con.
Duy trì kết nối với bạn bè
Trao đổi với giáo viên về những khó khăn của trẻ để hiểu những thay đổi của trẻ ở hiện tại khác gì so với môi trường học trước đây, giáo viên có thể hỗ trợ trẻ thêm không (trò chuyện động viên trẻ, khen ngợi trẻ,...). Ba mẹ giúp con chia nhỏ các nhiệm vụ, bài tập phải làm, từng bước lên kế hoạch để trẻ không cảm thấy chán nản.
Phụ huynh cần chú ý đến những biểu hiện khác lạ, thay đổi của trẻ. Tùy vào mức độ và thời gian kéo dài các dấu hiệu căng thẳng ở trẻ mà ba mẹ nhận diện những điều khác lạ, trò chuyện, quan sát để hiểu những khó khăn. Ba mẹ sẽ hỗ trợ con, hoặc tìm đến sự trợ giúp từ xung quanh (giáo viên, một ai đó mà các em yêu quý, thích nói chuyện cùng,...) hoặc tìm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý.
Tuệ Diễm