Cảm lạnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột, nóng chuyển sang lạnh hoặc nắng nóng độ ngột, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công. Cảm lạnh thông thường thường không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh khó chịu. Triệu chứng gồm đau họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi khiến người bệnh mệt mỏi, khó ngủ, ảnh hưởng đến học tập, làm việc. Người bệnh cảm lạnh mất ngủ có thể thử một số cách dưới đây.
Dùng máy tạo độ ẩm: Hơi nước giúp giảm tắc nghẽn và giữ cho đường thở không bị khô, người bị cảm lạnh thở dễ dàng hơn. Không khí ẩm còn có thể làm dịu các mô bị kích thích trong mũi, giảm đau. Thêm một vài giọt tinh dầu như khuynh diệp hoặc bạc hà có thể tăng cường tác dụng thông mũi. Lưu ý vệ sinh và khử trùng máy tạo ẩm thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn.
Tắm trước khi đi ngủ: Hơi nước ấm từ vòi sen góp phần làm thông thoáng đường thở, dễ thở hơn. Bạn cũng có thể thử một số ý cách khác như xả vòi hoa sen và ngồi một góc trong phòng tắm để hít hơi ẩm. Dùng một chậu nước ấm, trùm kín đầu và xông hơi từ chậu. Hít hơi nước ấm trước khi đi ngủ còn có tác dụng thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Dùng thuốc xịt thông mũi: Thuốc thông mũi hỗ trợ mở rộng đường mũi và giảm chất nhầy ở mũi. Nên chọn các loại thông mũi có thành phần tự nhiên hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Dùng nước muối: Súc miệng bằng nước muối trước khi ngủ có thể giảm đau họng vì muối có khả năng giảm viêm, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn trong cổ họng, nước ấm giảm đau.
Bạn có thể sử dụng nước muối nhiều lần trong ngày. Để pha dung dịch, trộn 1/4 bột cà phê muối và 1/4 bột cà phê baking soda vào 200 ml nước ấm. Súc miệng 2-3 lần mỗi ngày, nếu xịt mũi nên chọn loại chuyên dụng ở các cửa hàng và dùng 3 lần mỗi ngày.
Giảm ho bằng tinh dầu: Xoa tinh dầu bạc hà lên vùng ngực hoặc cổ hỗ trợ làm dịu cơn ho đi kèm với cảm lạnh. Không sử dụng tinh dầu cho trẻ em dưới hai tuổi. Chọn loại tinh dầu ít cay nóng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn. Một số loại dầu có thể xoa như dầu khuynh diệp, dầu tràm, dầu bạc hà...
Uống trà thảo dược: Cách này giúp làm loãng chất nhầy, xoang dễ thoát nước hơn, dịu đau họng, bớt nghẹt mũi và giữ ấm cho cơ thể. Người bệnh có thể thêm mật ong vào trà hoa cúc, trà gừng, trà bạc hà vì mật ong bao phủ cổ họng, giảm ho do kích ứng, góp phần kiểm soát triệu chứng cảm lạnh.
Ngủ theo lịch trình: Cảm lạnh có thể khiến người bệnh khó duy trì thời gian đi ngủ cố định. Nhưng tốt nhất bạn nên thức dậy và đi ngủ vào giờ cố định như thường lệ. Tuân thủ lịch trình ngủ - thức giúp dễ ngon giấc hơn.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |