Đa số trẻ khi mới sinh ra đều có hệ miễn dịch yếu. Theo thời gian, trẻ em sẽ tăng cường khả năng miễn dịch của mình bằng cách chiến đấu vi trùng, virus và các sinh vật khác trong môi trường. Theo Parent (Mỹ), một số chiến lược điều chỉnh trong cuộc sống như ăn nhiều rau hơn, ngủ đủ giấc, rửa tay thường xuyên có thể góp phần thúc đẩy hệ thống miễn dịch của trẻ.
Ăn thêm trái cây và rau quả: Các loại trái cây, rau có màu, chẳng hạn như cà rốt, đậu xanh, cam, dâu tây... là những rau củ có màu chứa carotenoid, chất dinh dưỡng thực vật. Các chất dinh dưỡng thực vật giúp cơ thể tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và interferon ngăn chặn virus. Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng thực vật còn giúp cơ thể chống lại các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim ở tuổi trưởng thành.
Tăng thời gian ngủ: Thiếu ngủ làm giảm các tế bào tiêu diệt tự nhiên, vi khuẩn có cơ hội tấn công hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị ốm hơn.
Trẻ em hoạt động nhiều, ít ngủ trưa, thời gian ngủ dưới 10 tiếng/ngày thường dễ bị ốm hơn. Bạn có thể tăng cường hệ miễn dịch cho con bằng cách cho con ngủ đủ giấc. Trẻ sơ sinh có thể cần đến 16 giờ mỗi ngày, trẻ mới biết đi nên có 11-14 giờ để ngủ và trẻ mẫu giáo cần 10-13 giờ.
Bổ sung sữa: Nếu là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, sữa mẹ là nguồn thực phẩm tăng cường khả năng miễn dịch lý tưởng. Kháng thể trong sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiễm trùng, dị ứng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, sữa mẹ có thể tăng cường sức mạnh não của em bé và giúp bảo vệ chúng chống lại bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh Crohn, viêm đại tràng và một số dạng ung thư sau này trong cuộc sống. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để bổ sung khả năng miễn dịch cho bé.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ tăng cường hệ miễn dịch cho con bằng cách cho trẻ uống sữa công thức, các loại nước hoa quả mỗi ngày.
Tập thể dục: Tập thể dục làm tăng số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên ở cả người lớn lẫn trẻ em. Để con bạn có thói quen tập thể dục suốt đời, bạn phải là một tấm gương tốt. Ngoài chạy, bạn có thể cho trẻ học thêm các môn thể thao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, chơi bóng rổ, đá bóng...
Bảo vệ trẻ chống lại sự lây lan của mầm bệnh: Người lớn có thể giúp trẻ giảm sự lây lan của mầm bệnh bằng cách dạy trẻ học rửa tay đúng cách. Bạn nên đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh của trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Sau khi trẻ ra ngoài chơi, tiếp xúc với thú cưng, xì mũi, ở môi trường công cộng...người lớn nên cho trẻ rửa tay, sát khuẩn.
Nếu con bạn bị ốm, bạn nên thay bàn chải đánh răng của trẻ càng sớm càng tốt. Virus có thể chuyển từ bàn chải đánh răng này sang bàn chải đánh răng khác và lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, bạn nên tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang để ngăn vi trùng lây lan.
Tránh xa khói thuốc: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, nhiều hóa chất trong số đó có thể gây kích ứng hoặc giết chết các tế bào trong cơ thể. Trẻ em dễ bị tác hại của khói thuốc hơn người lớn, vì trẻ hít thở với tốc độ nhanh hơn; hệ thống giải độc tự nhiên kém phát triển. Khói thuốc cũng làm tăng nguy viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn ở trẻ. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh.
Cập nhật về các loại vaccine được khuyến nghị: Tiêm vaccine là cách giúp hệ thống miễn dịch của trẻ luôn sẵn sàng chống lại các mầm bệnh nguy hiểm như viêm màng não, bại liệt và thủy đậu.
Anh Chi (Theo Parent)