Đau dạ dày là bệnh lý thường gặp, gây đau âm ỉ, nóng rát hoặc cồn cào. Một số triệu chứng kèm theo như ợ hơi, ợ chua, trào ngược axit, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn. Bệnh ảnh hưởng đến vùng thượng vị ở chính giữa bụng, cũng có thể lệch sang trái, phải hoặc lan rộng ra sau lưng.
BS.CKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khuyến cáo người bệnh sớm đi khám, điều trị khi cơn đau dai dẳng, dữ dội, khó thở, tức ngực, nôn ra máu, đi ngoài ra máu... Người bị đau bụng nhẹ, thời gian ngắn có thể thực hiện các biện pháp giảm đau dưới đây.
Xoa bóp bụng: Xoa bóp đúng cách làm dịu, giảm cơn co thắt dạ dày. Cho dầu vào tay, xoa nóng rồi áp vào bụng, chuyển động tay đều từ trái sang phải, lên rồi xuống. Nên xoa bóp bụng sau ăn một giờ, mỗi lần 10-15 phút.
Uống nhiều nước: Khi thiếu nước, hệ tiêu hóa hoạt động chậm, kém hiệu quả làm tăng cơn đau dạ dày. Người bệnh uống đủ nước mỗi ngày giảm ợ chua - triệu chứng của đau dạ dày. Lượng nước cung cấp cho cơ thể phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, tính chất công việc. Lượng nước khuyến nghị cho người trưởng thành khoảng 2-2,5 lít, trẻ nhỏ từ 950 ml tới 1,2 lít mỗi ngày.
Hít thở đều: Tâm trạng nhanh ổn định, giảm cơn đau bụng khi thở đều. Hít thở sâu giúp dạ dày giảm tiết dịch vị, giải phóng endorphin (chất dẫn truyền thần kinh giảm đau tự nhiên). Nên tập hít thở hai lần một ngày, mỗi lần 3-5 nhịp.
Chườm ấm: Hơi ấm làm cho các mạch máu vùng thượng vị thư giãn, giảm sự co bóp, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi hơn. Chườm ấm ở nhiệt độ 50-60 độ C, trong 10-20 phút, có hiệu quả với cơn đau dạ dày nhẹ.
Ngồi dậy khi xuất hiện cơn đau: Người bệnh nên ngồi dậy khi đau dạ dày để giảm axit trong dạ dày di chuyển lên thực quản gây ợ chua, khó chịu.
Uống trà gừng: Gừng có tính ấm, kích thích nhu động ruột tăng cường chuyển động, giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn mà không co thắt quá mạnh, tránh tổn thương lớp niêm mạc.
Gừng còn có chất chống oxy hóa mạnh thúc đẩy hoạt động ruột nhiều hơn, giảm đau viêm dạ dày do khó tiêu. Tuy nhiên, nó có thể gây phản ứng phụ như đầy hơi, ợ chua, khó tiêu. Chỉ nên dùng 3-5 lát gừng mỏng cho vào nước uống mỗi ngày.
Dùng nghệ và mật ong: Chất chống viêm tự nhiên trong nghệ, mật ong có thể giảm đau dạ dày. Uống hỗn hợp trên theo tỷ lệ 100 ml nước, 10 g bột nghệ và hai thìa mật ong trước bữa ăn, mỗi ngày 2-3 ly.
Bác sĩ Trung lưu ý người bệnh nên tránh thực phẩm khó tiêu như thức ăn nhiều dầu mỡ, có tính axit, cay, nóng. Tăng cường rau củ quả tươi, áp dụng chế độ ăn kiêng BRAT với thực phẩm nhạt, ít chất xơ, dễ tiêu hóa.
Quyên Phan
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp.