Tự kiểm tra vú thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm ung thư vú. Tự kiểm tra vú kết hợp với các phương pháp sàng lọc khác có thể chẩn đoán chính xác ung thư vú. Càng phát hiện sớm bệnh thì khả năng chữa khỏi càng cao. Dưới đây là 5 bước hướng dẫn chị em có thể tự kiểm tra vú tại nhà thường xuyên theo tổ chức Breast Cancer (Mỹ).
Bước 1
Bạn đặt cánh tay chống hông, giữ vai thẳng để nhìn ngực trong gương. Bạn kiểm tra vú có kích thước, hình dạng và màu sắc bình thường hay không. Vú có hình dạng đồng đều mà không bị biến dạng hoặc sưng tấy hay không.
Nếu bạn thấy da bị lõm, nhăn nheo hoặc phồng lên, núm vú bị thay đổi vị trí hoặc núm vú bị thụt vào trong (bị đẩy vào trong thay vì nhô ra ngoài); đỏ, đau nhức, phát ban hoặc sưng tấy thì đây là những dấu hiệu bất thường.
Bước 2
Bạn giơ cánh tay lên trên và tìm kiếm những thay đổi tương tự ở bước một.
Bước 3
Bạn tiếp tục tìm các dấu hiệu xem có chất lỏng chảy ra từ một hoặc cả hai núm vú (có thể là chất lỏng hoặc máu có màu vàng, trắng đục, có màu vàng) hay không.
Bước 4
Bạn nằm xuống và kiểm tra ngực bằng tay. Bạn dùng tay phải kiểm tra ngực trái và ngược lại. Sử dụng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út) vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa xoay tròn tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường. Bắt đầu từ trong quần vú di chuyển lần ra ngoài theo hướng xoắn ốc.
Di chuyển dần lên vùng nách tới hõm nách xem có u hạch hay không vì khối u có thể di chuyển đến khu vực này. Lặp lại quy trình khám vú tương tú với vú còn lại.
Bước 5
Cuối cùng, bạn kiểm tra ngực khi đứng hoặc ngồi. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng cách dễ dàng nhất để cảm nhận ngực là khi da ướt nên kiểm tra vú khi tắm. Bạn thực hiện các bước kiểm tra như đã hướng dẫn ở bước 4.
Bạn nên cố gắng tập thói quen tự khám vú mỗi tháng một lần để làm quen với hình dáng và cảm giác bình thường của vú. Kiểm tra vú vài ngày sau khi kỳ kinh kết thúc, khi vú của bạn ít có khả năng sưng và mềm, hãy chọn một ngày dễ nhớ, chẳng hạn như ngày đầu tiên hoặc ngày cuối cùng của tháng.
Khu vực phía trên, bên ngoài gần nách của bạn có xu hướng nổi các cục u và bướu nổi bật nhất. Nếu bạn cảm thấy có khối u trong vú cũng đừng quá lo lắng. Hầu hết phụ nữ luôn có một số cục u hoặc các vùng sần trên vú và hầu hết các khối u ở vú này lành tính (không phải ung thư). Có một số nguyên nhân có thể gây ra khối u không phải ung thư như thay đổi nội tiết tố, chấn thương...
Trường hợp bạn nhận thấy một khối u hoặc thay đổi khác ở vú và đáng lo ngại thì nên thăm khám bác sĩ, đặc biệt khi những thay đổi này kéo dài hơn một chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn đang trong kinh nguyệt, bạn có thể đợi đến hết kỳ kinh nguyệt để xem khối u hoặc thay đổi khác ở vú có tự biến mất hay không trước khi gọi cho bác sĩ.
Để đánh giá khối u ở vú, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, khám sức khỏe tổng thể vú và có thể sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh vú. Siêu âm thường là xét nghiệm được sử dụng để đánh giá khối u ở phụ nữ dưới 30 tuổi, đang mang thai hoặc cho con bú. Cả siêu âm và chụp X-quang tuyến vú thường được khuyến khích để đánh giá khối u ở phụ nữ trên 30 tuổi, không mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu cần kiểm tra thêm, bác sĩ có thể đề nghị chụp thêm MRI (chụp cộng hưởng từ), sinh thiết... Họ cũng có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa vú (thường là bác sĩ phẫu thuật vú) để đánh giá thêm.
Kim Uyên (Theo Breast Cancer)