Nội soi dạ dày được ứng dụng rộng rãi từ chẩn đoán đến điều trị các bệnh tiêu hóa khác nhau. Đây còn là phương pháp hỗ trợ can thiệp điều trị một số vấn đề tiêu hóa như lấy dị vật, cầm máu, cắt polyp, nong hẹp, đặt stent...
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, nhờ ống nội soi sợi mềm kích thước nhỏ, được đưa vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi, bác sĩ dễ dàng quan sát trực tiếp biến đổi cấu trúc bề mặt niêm mạc dạ dày. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể nhuộm màu tổn thương để quan sát đặc điểm hình thái của mạch máu, từ đó, lấy sinh thiết và đưa ra chẩn đoán. Dưới đây là một số bệnh lý dạ dày cơ bản có thể phát hiện thông qua nội soi.
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là hiện tượng viêm, sưng tấy, xói mòn ở phần niêm mạc. Bệnh có thể xảy ra đột ngột (viêm dạ dày cấp tính) hoặc từ từ, kéo dài theo thời gian (viêm dạ dày mạn tính). Khi bị viêm dạ dày cấp, người bệnh thường có triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, buồn nôn, nôn, khó tiêu... Viêm dạ dày mạn tính thường không bộc lộ triệu chứng.
Viêm dạ dày hầu hết không nguy hiểm và có thể cải thiện khi điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển thành ung thư dạ dày, nhất là viêm teo niêm mạc dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P). Nội soi có thể giúp phát hiện tình trạng viêm ở dạ dày.
Loét dạ dày tá tràng
Tình trạng loét xảy ra khi axit ăn mòn lớp niêm mạc của dạ dày, hình thành các vết loét. Khi bệnh diễn tiến nặng, vết loét có thể ăn sâu vào lớp cơ dưới niêm mạc dạ dày, gây ra những cơn đau âm ỉ theo chu kỳ kể cả khi đói hoặc sau ăn vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị, những vết loét có thể gây xuất huyết, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị do tắc đường xuống của thức ăn. Những biến chứng xuất huyết hay thủng dạ dày có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Nhiễm khuẩn H.P dạ dày
Tiến sĩ Khanh cho biết, nhiễm khuẩn H.P là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm, loét dạ dày tá tràng. Sau khi xâm nhập vào dạ dày, chúng sẽ tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại axit của lớp niêm mạc, khiến dạ dày bị tổn thương ở dạng loét. Hiện có nhiều phương pháp xác định H.P dạ dày như kiểm tra hơi thở, xét nghiệm phân... Tuy nhiên, xét nghiệm H.P trong khi nội soi dạ dày vẫn là lựa chọn được ưu tiên. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô tại hai vị trí niêm mạc dạ dày và làm test nhanh để chẩn đoán người bệnh có nhiễm H.P hay không.
Polyp dạ dày
Polyp là những khối u lồi hình tròn hoặc elip, hình thành do sự tăng sinh tế bào quá mức ở lớp niêm mạc dạ dày. Đa số trường hợp phát hiện polyp dạ dày nhờ tình cờ nội soi. Theo Tiến sĩ Khanh, không phải tất cả mọi loại polyp dạ dày đều phải cắt. Một số loại thường gặp là polyp tuyến đáy vị, polyp tuyến dạ dày, polyp tăng sản dạ dày. Trong đó, polyp tuyến đáy vị thường lành tính hay gặp ở người bình thường hoặc có dùng thuốc giảm tiết axit.
Polyp tuyến dạ dày là tổn thương tiền ung thư nên phải cắt qua nội soi (adenoma). Các trường hợp polyp tăng sản nhỏ hơn một cm ít khi ác tính. Người bệnh cần cân nhắc cắt polyp khi kích thước lớn.
Trào ngược dạ dày, thực quản
Dịch dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản không chỉ gây ợ chua, ợ nóng, đau tức ngực, hôi miệng, khó thở... mà còn khiến các cơ quan như thanh quản, thực quản bị tổn thương. Tuy nhiên, tổn thương đặc trưng trên thực quản ở người bị trào ngược dạ dày thực quản chiếm tỷ lệ thấp. Nội soi thực quản dạ dày còn giúp phân biệt các tổn thương tại dạ dày, thực quản không do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản gây nên.
Xuất huyết tại thực quản, dạ dày
Đây là bệnh lý nguy hiểm do có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến thiếu máu cấp. Xuất huyết dạ dày thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh. Khi có dấu hiệu nôn ra máu, đại tiện ra máu đông hoặc phân màu đen, thiếu máu không rõ nguyên nhân... người bệnh cần thăm khám ngay để được nội soi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu và sử dụng các dụng cụ cầm máu trong quá trình nội soi để điều trị.
Ung thư dạ dày
Sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào dạ dày hình thành khối u ác tính. Chúng có thể xâm lấn các mô ở gần cũng như ở xa qua hệ thống hạch bạch huyết. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày có tỷ lệ tử vong cao thứ 3, chỉ sau ung thư gan và phổi theo thống kê của Globocan 2020.
"Nội soi kết hợp lấy mẫu sinh thiết hiện là phương pháp 'tiêu chuẩn vàng' tầm soát ung thư dạ dày. Hình ảnh nội soi rõ nét giúp tăng khả năng phát hiện các tổn thương ngay từ khi còn khu trú dưới lớp niêm mạc, từ đó, bác sĩ dễ dàng xác định ranh giới trước khi cắt bỏ điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm", tiến sĩ Khanh nói.
Những thay đổi cấu trúc vi bề mặt và vi mạch máu của tổn thương đường tiêu hóa có thể nhìn thấy được trên máy nội soi phóng đại. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hệ thống máy nội soi công nghệ NBI, BLI và bộ xử lý hình ảnh thế hệ mới có độ phóng đại cao giúp phân tích hình ảnh lớp niêm mạc cơ quan tiêu hóa chi tiết hơn máy nội soi thông thường.
Nội soi dạ dày có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nên nội soi dạ dày càng sớm càng tốt như người xuất hiện các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ợ hơi thường xuyên, đi ngoài phân đen...; gia đình có tiền sử ung thư dạ dày hay bệnh dạ dày mạn tính; người trên 40 tuổi tầm soát ung thư dạ dày.
Trịnh Mai