Thận có nhiều vai trò bao gồm cân bằng chất lỏng, chất điện giải và các chất hòa tan để lọc nước, chất thải ra khỏi máu. Hai bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận là tiểu đường và tăng huyết áp. Thận cũng có thể bị tổn thương nếu không duy trì thói quen lành mạnh, bao gồm cả những thực phẩm không có lợi. Dưới đây là 6 món ăn cần tránh hoặc hạn chế để bảo vệ thận.
Thịt chế biến
Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội và bánh mì kẹp thịt có thể hại thận. Chúng chứa nhiều natri (muối), nếu nạp quá 2300 mg mỗi ngày có nguy cơ tăng huyết áp, tạo thêm căng thẳng cho thận.
Ăn quá nhiều proetin động vật cũng tạo ra nhiều axit trong máu khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ.
Pizza
Pizza thường có cấu tạo gồm vỏ bánh, nhân từ nước sốt cà chua có hàm lượng natri cao, phô mai nhiều chất béo và thịt chế biến như xúc xích. Cả natri và chất béo bão hòa đều là những thành phần không tốt cho sức khỏe, bao gồm cả thận nếu ăn thường xuyên.
Để món pizza bổ dưỡng, bạn có thể chuẩn bị một số nguyên liệu như không có thịt chế biến, thêm một chút phô mai, bông cải xanh ở nhân và vỏ bánh làm từ lúa mì nguyên hạt...
Súp
Súp là món ăn nhẹ giúp giảm đói hoặc làm dịu cơn đau họng khi gặp các triệu chứng cảm lạnh, cúm. Tuy nhiên, món ăn này lại chứa nhiều muối dù được làm tại nhà vì thường có thành phần là nước luộc thịt bò, thịt gà hoặc rau củ. Ước tính mỗi cốc súp chứa khoảng hơn 800 mg natri, có thể khiến thận quá tải.
Hãy thử làm súp từ rau củ, thảo mộc và gia vị ít muối để tạo hương vị cho món ăn. Người thận yếu nên tránh súp để giảm tải cho thận.
Khoai tây chiên
Khoai tây chiên là thực phẩm không có lợi cho thận. Chúng cũng chứa nhiều kali, khoáng chất cần được kiểm soát hàm lượng nếu thận bị tổn thương, nhất là người bệnh thận mạn giai đoạn 3.
Ngoài khoai tây chiên nên tránh thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh nói chung để bảo vệ tim và thận khỏi bệnh tật. Thức ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, calo, ít dinh dưỡng. Chế độ ăn uống lành mạnh với thận chủ yếu nên bao gồm nhiều loại trái cây, rau củ cùng carbohydrate phức hợp.
Nước tương, nước mắm
Nước tương cũng như nước mắm, nước xốt thường có lượng natri cao, có thể lên tới 950 mg natri trong mỗi thìa canh, gần 50% lượng khuyến nghị hàng ngày (DV). Để giảm nạp muối, gia đình có thể thay thế bằng các nguyên liệu có hàm lượng natri thấp hơn như nấm, bột cà chua, men dinh dưỡng hoặc giấm.
Nước ngọt
Nước ngọt chứa nhiều đường và ít giá trị dinh dưỡng. Chúng có thể tăng thêm lượng calo vào chế độ ăn uống cũng như nguy cơ tăng đường huyết. Đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể phá hỏng các mạch máu trong thận, tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Một thành phần khác có trong nhiều loại soda là axit photphoric. Chất này có thể làm thay đổi thành phần nước tiểu, về lâu dài có thể dẫn tới sỏi thận. Thay nước ngọt bằng các loại đồ uống có hương vị lành mạnh như trà thảo mộc có thể có lợi.
Bảo Bảo (Theo Eat This Not That, Eating Well)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |